Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Thánh Cả Giu-se

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 
 
THÁNH GIU-SE
Đấng Công chính, Khiêm tốn và Thầm lặng

Giáo Hội Công Giáo không những dành ngày 19.3 để tôn kính Thánh cả Giu-se là Bạn Thanh Sạch của Đức Mẹ Ma-ri-a, và ngày 1.5 là để mừng ngài là quan thầy của giới thợ thuyền, mà hơn thế nữa, Giáo Hội dành trọn tháng Ba để đặc biệt tôn kính Thánh cả Giu-se, bởi vì –đối với Thiên Chúa- thì ngài có vai trò rất lớn trong chương trình cứu chuộc loài người, và –đối với Giáo Hội- ngài chính là đấng quan thầy của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, là bổn mạng của các gia trưởng, và là mẫu gương nhân đức để cho mọi người bắt chước noi theo.

Giữa một thế giới mà sự dữ và tội ác lan tràn, khi mà con người lạm quyền tự do Thiên Chúa ban cho để chối bỏ hạnh phúc gia đình, họ chỉ biết hưởng thụ vật chất, ích kỷ cho bản thân mình, mà từ chối trách nhiệm làm cha làm mẹ trong gia đình để dẫn đến ly dị, gây ra biết bao cảnh đời bất hạnh cho con cái của họ, thì Giáo Hội nêu cao gương sáng của Thánh cả Giu-se, để qua ngài mà nhân loại nhìn thấy được tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mỗi người, và qua ngài mà nhân loại nhận ra mình cũng có phần trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận và trách nhiệm mà Thiên Chúa giao phó cho mình.

1.   Thánh cả Giu-se – Đấng Công Chính.

Phúc Âm của thánh Mát-thêu nói Thánh cả Giu-se là người công chính[1], người công chính là người biết kính sợ Thiên Chúa, là người luôn làm theo lương tâm ngay thẳng của mình, là người biết chu toàn bổn phận của mình cách khôn ngoan, và là người biết chăm sóc gia đình của mình với tất cả yêu thương của người quản gia của Thiên Chúa.

Là người công chính, nên Thánh cả Giu-se đã giải quyết cách khôn ngoan khi thấy vị hôn thê của mình là Đức Mẹ Ma-ri-a mang thai Đấng Cứu Thế, sự khôn ngoan này không phải một sớm một chiều mà có, nhưng là bởi lương tâm của người công chính thường hay suy niệm đến thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình, do đó mà Thánh cả Giu-se bình tĩnh để cho thánh ý Chúa thực hiện nơi Đức Mẹ Ma-ri-a, mà không ồn ào trách móc cũng như chịu cay đắng nhục nhã.

Sự công chính này của Thánh cả Giu-se là mẫu gương cho tất cả chúng ta, dù là sống bậc tu trì hay sống bậc vợ chồng, bởi vì dù chúng ta có trở thành người tốt chăng nữa, thì cái tôi háo thắng, cái tôi kiêu ngạo, và cái tôi ích kỷ của mình vẫn là làm cho chúng ta thấy ý muốn của mình vượt trên cả thánh ý của Chúa, do đó mà chúng ta dễ dàng bắt người khác trả lại danh dự cho chúng ta, chúng ta dễ dàng lên án, chửi mắng đòi hỏi người khác phải trả lại sự công bằng cho chúng ta, mà chúng ta quên mất mình là người Ki-tô hữu.

Chúa Cha đã chọn Thánh cả Giu-se làm cha nuôi của Con Một Ngài là Đức Chúa Giê-su, là bởi vì Thánh cả Giu-se là người công chính. Không ai đem con yêu quý của mình giao cho một người bất lương nuôi nấng dạy dỗ, nhưng giao con của mình cho người công chính, để người con của mình trở thành người đạo đức thánh thiện. Đức Chúa Giê-su đã trở thành “mặt trời công chính” chiếu soi nhân loại đang đi trong tối tăm của tội lỗi, một phần là nhờ sự dạy dỗ của người cha nuôi công chính là Thánh cả Giu-se.

2.   Thánh cả Giu-se – con người Khiêm Tốn.

Sự công chính làm nảy sinh đức khiêm tốn, hay nói cách khác, khiêm tốn là hoa trái của sự công chính, khiêm tốn là tự biết mình là ai và có khả năng tài cán gì để phục vụ tha nhân, như lời của Chúa Giê-su đã dạy: có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là việc của ma quỷ.[2]

Thánh cả Giu-se biết mình là ai, là người được Chúa Cha chọn để nuôi nấng và giáo dục Đức Chúa Giê-su, ngài cũng biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng chỉ làm những gì mà ông chủ (Thiên Chúa) dạy làm mà thôi, cho nên trong suốt cuộc sống tại thế, ngài luôn khiêm tốn phục vụ Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su trong vai trò gia trưởng cách trọn vẹn, mà không một tiếng khoe khoang với người hoặc than trách với trời.

Biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng của Chúa, nên ngài khiêm tốn vui vẻ nhận Đức Mẹ Ma-ri-a làm bạn của mình khi Mẹ mang thai Đấng Cứu Thế; biết mình chỉ là đầy tớ vô dụng, nên Thánh cả Giu-se hết sức làm việc lao động để góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài như một nền nhà kiên cố thầm lặng chôn dưới lòng đất, để cho tòa nhà vĩ đại là Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a nổi bật giữa phong ba sóng gió cuộc đời:

-      Nếu không có sự khiêm tốn thì khi thấy vợ mình mang thai Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu tinh nhân loại lại sinh ra trong hang đá Bê Lem nghèo hèn không mảnh vải che thân, thì Thánh cả Giu-se sẽ oán trời trách người.
-      Nếu không có đức khiêm tốn, thì khi thấy các thiên thần từ trời xuống ca hát chúc vinh, các mục đồng đến thờ lạy, và có cả các nhà hiền sĩ xá lắc xa lơ bên phương Đông đến thờ lạy Đấng Cứu Thế trong máng cỏ tồi tàn, thì Thánh cả Giu-se sẽ trở thành kẻ kiêu căng và sẽ tự tôn mình và gia đình lên cao trong cao ngạo.
-      Và khi thấy Đấng Cứu Thế -Đức Chúa Giê-su- mới sinh đã bị người đời ghét bỏ tìm giết, nếu không có sự khiêm tốn tột cùng phó thác, thì Thánh cả Giu-se sẽ trở thành kẻ chống đối Thiên Chúa, và oán trách Thiên Chúa sao nở tàn ác với trẻ sơ sinh và gia dình mình.v.v...

Tất cả những điều ấy, nếu không có một sự khiêm tốn đặc biệt, nếu không có sự khôn ngoan và ơn Chúa giúp, thì chắc chắn, Thánh cả Giu-se cũng sẽ như những con người khác, oán trời, giận dữ với xã hội và buông xuôi mặc cho sự ác trong con người hoành hành.

Là gia trưởng của một gia đình kỳ lạ giữa nhân loại, Thánh cả Giu-se trở nên mẫu người khiêm tốn như Đức Mẹ Ma-ri-a, để trở thành cha mẹ tuyệt vời giáo dục Đức Chúa Giê-su trở thành “Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.”[3]

3.   Thánh cả Giu-se – con người Thầm Lặng.

Trong toàn bộ bốn sách Phúc Âm, thì chỉ có Phúc Âm của thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca có nhắc đến tên của Thánh cả Giu-se mà thôi, nhưng không nhắc nhiều. Thánh Mát-thêu thì khen ngợi ngài là người công chính, thánh Lu-ca thì nhắc nhở ngài là con cháu của dòng tộc vua Đa-vít[4], tuy nhắc rất ít đến ngài, nhưng đều nói lên nét nổi bật con người của ngài: người công chính và con cháu của hoàng tộc.

Là người đóng vai trò quan trọng cùng với Đức Mẹ Ma-ri-a trong việc nuôi nấng và dạy dỗ Đức Chúa Giê-su, nhưng các thánh sử chỉ làm nổi bật vai trò cứu độ nhân loại của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, cũng như nhắc nhở rất nhiều đến các thánh tông đồ, mà không nói nhiều về Thánh cả Giu-se, bởi vì con người của Thánh cả Giu-se là con người thầm lặng, ngài chỉ muốn âm thầm phục vụ chứ không muốn lấn át vai trò của Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, ngài biết mình chỉ là công cụ của Thiên Chúa dùng để tô điểm cho vai trò cứu chuộc thế gian của Chúa Giê-su nổi bật giữa loài người. Là người phục vụ cách âm thầm trong căn nhà nhỏ nghèo nàn làng Na-da-rét, Thánh cả Giu-se đã trở nên bậc thầy dạy đàng nhân đức khiêm tốn cho các thánh học đòi bắt chước, là nguồn cảm hứng cho các thi nhân hết lời ca tụng sự khiêm tốn và thầm lặng của ngài, và là mẫu gương sống động cho bậc gia trưởng noi theo.

Con người ta không ai thích sự thầm lặng khi phục vụ, nhưng con người ta thích phô trương khi phục vụ, thích nói nhiều khi phục vụ, và thích chỉ trích phê bình người khác khi phục vụ, tại sao vậy ? Thưa, tại vì con người ta chưa đạt đến mức độ khiêm hạ như Thánh cả Giu-se.

Thời đại ngày nay, người ta dễ dàng khuếch đại âm thanh thật lớn khi làm một công tác từ thiện nào đó, để quảng cáo cho nghiệp đoàn hoặc cộng đoàn của mình, chứ không mấy ai có tinh thần phục vụ cách thầm lặng, bởi vì họ không có mẫu gương phục vụ âm thầm để noi theo. Nhưng người Ki-tô hữu thì có mẫu gương phục vụ thầm lặng tuyệt vời của Thánh cả Giu-se, nên các gia trưởng biết chăm nom gia đình con cái mà không la lối giận dữ, hoặc kể công kể trạng với vợ con mình; các thợ thuyền thuyền cố gắng chu toàn bổn phận của mình trong âm thầm mà không lớn tiếng khoe khoang, tất cả đều học đòi gương âm thầm phục vụ của Thánh cả Giu-se, người gia trưởng tuyệt vời của gia đình Na-da-rét.

Kết

Tháng Ba, tháng của Thánh cả Giu-se, Đấng bàu chữa Hội Thánh và là bổn mạng của các gia trưởng, là mẫu gương của mọi người, là Đấng cai quản kho tàng ân sủng của Thiên Chúa, thánh nữ Tê-rê-xa thành A-vi-la đã xác tín điều này: “Không có ai đến kêu xin cùng Thánh cả Giu-se mà trở về tay không”, đó là một kinh ngiệm lớn của thánh nữ, khi mà giữa những phong ba xảy đến trong đời tận hiến của thánh nữ, và phương pháp hay nhất và đầy khôn ngoan nhất là chạy đến với Thánh cả Giu-se, Đấng luôn là mẫu mực công chính cho mọi người.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta cũng xác tín điều ấy: Thánh cả Giu-se cũng là một người được Thiên Chúa chọn để làm cho chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian được hài hòa, và cao cả hơn, chính Thiên Chúa muốn chọn Thánh cả Giu-se làm mẫu gương của các gia trưởng, của những thợ thuyền, của những người đang gặp đau khổ trong cuộc sống, để nhờ Thánh cả Giu-se, mà họ biết được ân sủng và tình thương của Thiên Chúa chỉ ban cho những ai yêu sự công chính với tâm hồn khiêm tốn và thầm lặng trong việc phục vụ và vác thập giá của mình để theo Đức Chúa Giê-su.

Lạy Thánh cả Giu-se xin cầu bàu cho chúng con
là những người cha trong gia đình,
biết chu toàn bổn phận của người gia trưởng
để xây dựng một gia đình công giáo
hoàn toàn phù hợp với tinh thần Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su.

Xin dạy cho chúng con là những thợ thuyền lao động,
biết chuyên cần làm việc
và biết thánh hóa công việc mình làm,
để danh Chúa được rạng sáng nơi mọi người,
khi họ nhìn thấy chúng con hết lòng chu toàn trách nhiệm.

Xin Thánh cả Giu-se cầu bàu cho chúng con,
là những linh mục của Chúa Giê-su
đang phục vụ dân Chúa giữa một xã hội,
mà luân thường đạo lý chỉ là một nét chấm phẩy lạc lỏng giữa xa hoa và hưởng thụ.
xin cho chúng con biết noi gương Ngài,
để trở thành gia trưởng trong giáo xứ,
trở thành người anh em khiêm tốn thầm lặng trong cộng đoàn.

Và, sau cùng, xin Thánh cả Giu-se gìn giữ tất cả mọi gia đình trong và ngoài giáo xứ của chúng con,
để những ai chưa nhận biết tinh thần Phúc Âm,
thì sẽ nhìn thấy được tình yêu của Chúa qua
cuộc sống của gia đình chúng con. Amen


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 


[1] Mt 1, 19.
[2] Mt 5, 37.
[3] Mt 11, 28-30.
[4] Mt 1, 18-25. Lc 2, 1-7.