Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Tâm tình với tân linh mục...

Tâm tình chia sẻ với tân linh mục
Gioan Baotixita Nguyễn Như Định
Sẽ thụ phong linh mục ngày 1.1.2008 tại Gp. Bắc Ninh.
 
 

Cha Định thân mến,
Mình đã nhận được thiệp mời của cha (gọi cha trước cũng được nhé) tham dự thánh lễ truyền chức linh mục của cha tại giáo phận Bắc Ninh, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở nên mình không tham dự được, do đó mình xin chia sẻ với cha nhân dịp ngày cha chịu chức linh mục.

Thế là, kể từ đây -ngày 1.1.2008- giáo dân sẽ không còn gọi cha là thầy già nữa, sẽ không còn gọi là thầy Định nữa, nhưng sẽ gọi là cha Định, là linh mục, nghĩa là cha đã được liệt vào hàng công hầu khanh tướng của Chúa Giê-su: linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Như Định. Cha bước lên bàn thánh Chúa khi tuổi đời đã năm mươi lăm (55), với biết bao là gian nan vất vả trên con đường đi theo ơn gọi của Chúa, cha đã thực sự được Chúa trui luyện trong lò lửa yêu mến và thử thách giữa cuộc đời đầy cám dỗ.

Trong tâm tình là người anh em linh tông cùng một nghĩa phụ, và trong tâm tình của một người đã quen biết nhau từ ngày cha còn tham gia nhóm Points-Coeur, tạm trú tại nhà thờ Fatima, Quận I, Tp. Saigon, mình xin chia sẻ mấy cảm nghiệm về đời linh mục với cha.

1.   Bổn phận mới, trách nhiệm lớn.

Có nhiều thầy lớn tuổi mới chịu chức linh mục, nên kinh nghiệm mục vụ cũng khá nhiều, cho nên vì thế mà có một vài thầy lớn tuổi, sau khi chịu chức xong thì hãnh diện nói với giáo dân rằng, mình đã từng giúp xứ nên kinh nghiệm mục vụ đầy mình. Sự hãnh diện này cũng đúng thôi, vì thời gian giúp xứ nhiều thì chắc chắn sự hiểu biết về mục vụ giáo xứ cũng nhiều hơn. Nhưng, đó chính là cạm bẩy của sa-tan mà ít người biết, chính nó (sa-tan) đã thổi phòng lòng kiêu ngạo của các vị linh mục lớn tuổi mới chịu chức ấy thỏa mãn với kinh nghiệm mục vụ của mình, thế là có một vài chuyện đáng tiếc xảy ra, như: coi thường cha sở già, làm việc tự tung tự tác (vì coi mình đã có kinh nghiệm giúp xứ), và có khi hãnh tiến với các linh mục trẻ tuổi.

Thực ra, bổn phận của linh mục thì rất khác với một ông thầy già giúp xứ, dù thầy đó giúp xứ cả mấy chục năm trời, bởi vì linh mục là một chức vụ thánh, một bổn phận và một trách nhiệm vô cùng lớn lao không thể như một thầy giúp xứ được, do đó mà cái cảm giác rất khác nhau khi một thầy lớn tuổi làm linh mục được bài sai coi sóc giáo xứ, khác với một thầy giúp xứ lâu năm. Nếu đã có kinh nghiệm lâu năm về mục vụ giáo xứ, thì đó là một thuận lợi để công việc mục vụ giáo xứ của cha thành công hơn, chứ không phải để cha khoe khoang và ỷ lại với những gì mình đã biết đã làm khi còn giúp xứ.

Linh mục là một chức vụ thánh, do đó công việc của cha sau này là công việc thánh mà Thiên Chúa đã chọn cha làm điều đó: thánh hóa các linh hồn, thánh hóa giờ đọc kinh phụng vụ, thánh hóa giờ cầu nguyện, và thánh hóa giờ giải trí học hành của cha, cũng như của giáo dân.

Linh mục là một bổn phận và trách nhiệm: khi chưa làm linh mục thì cha thong dong làm việc nhà xứ còn trách nhiệm thì ở nơi cha sở, nhưng khi làm linh mục rồi thì bổn phận ấy và trách nhiệm ấy đều ở trên đôi vai và đè nặng tâm hồn của cha, cha sẽ lo lắng khi giáo dân ít đến nhà thờ, cha sẽ buồn hơn khi giáo dân phê bình cha, cha sẽ cô đơn hơn khi giáo dân chống đối cha.v.v..., bởi vì là bổn phận nên trách nhiệm phải chu toàn, do đó, mà có khi cha phải thốt lên lời, xin Chúa cất bớt gánh nặng bổn phận trách nhiệm trê vai mình, nhưng Chúa không bao giờ cất đâu, Ngài chỉ ban thêm ơn cho cha, để cha vác thánh giá và bổn phận của mình mà thôi.

2.   Khiêm tốn khi làm cha sở.

Có người nói với mình rằng, người ít khiêm tốn nhất chính là các linh mục, người không có đức khiêm tốn là cha sở. Họ nói cũng có cái đúng của họ, bởi vì không có lửa thì làm sao có khói ! Tuy lời nói này không hẳn đúng 100% nhưng cũng đáng để cho chúng ta suy nghĩ.

Khi linh mục được bài sai làm cha sở thì đồng thời ngài cũng trở nên một chủ nhân đúng nghĩa: quản lý cả một giáo xứ. Tuy nhiên với cuộc sống của cha, thì linh mục nghĩa phụ của chúng ta yên tâm, giáo dân yên tâm, và chắc chắn Giáo Hội cũng yên tâm vì cha có một nhân đức khiêm tốn trổi vượt hơn người, chính nhân đức khiêm tốn này sẽ giúp ích cho cha khi cha làm cha sở coi sóc một giáo xứ, bởi vì nếu một cha sở không biết khiêm tốn thì ngài sẽ trở thành một chủ nhân ông hưởng thụ, một mục tử khó tính và một người cha không biết thông cảm.

Theo giáo luật, cha sở có toàn quyền trong giáo xứ của mình, do đó mà có những cha sở coi lời nói của mình là Chúa và bắt buộc giáo dân phải nghe, thế là mầm móng chia rẽ bắt đầu. Chính nhân đức khiêm tốn sẽ giúp cho cha giải quyết rất nhiều vấn đề, mà một cha sở nóng nảy kiêu ngạo sẽ không bao giờ làm được, đó là ngài trở nên sợi dây liên kết các tâm hồn giáo dân trong giáo xứ lại với nhau, nên một trong Chúa. Bởi vì giáo dân cần một mục tử khiêm tốn hơn là một mục tử kiêu ngạo; cần một người cha biết thông cảm hơn một người cha năng nổ hoạt động mà không biết cảm thông; cần một linh mục hy sinh thánh thiện, hơn một linh mục thông kim bác cổ mà chỉ biết hưởng thụ...

3.   Tinh thần cầu tiến: đọc sách, học hỏi.

Thời nay có nhiều linh mục trẻ mới chịu chức không thèm đọc sách, không thèm học hỏi, bởi vì các ngài cho rằng học lực của mình đầy đủ rồi, làm việc mục vụ thì “dư sức qua cầu” không có gì lo ngại, mà dù có làm sai thì...Chúa cũng thông cảm bỏ qua, lo gì !

Có lẽ với tuổi đời năm mươi lăm, học hành đối với cha chắc hơi mệt, đọc sách thì càng làm biếng hơn vì mõi mắt, nhưng không vì thế mà cha không đọc sách hay không học hỏi thêm, bởi vì sự học thì vô cùng mà cuộc sống thì có hạn. Học được điều gì thì cứ học, học nơi giáo dân, học trong thiên nhiên, học khi làm việc mục vụ, học khi coi truyền hình, hoặc học khi soạn bài giảng.v.v...

Linh mục nghĩa phụ đã nói với mình, khi mình còn giúp xứ cho ngài: “Con phải học, phải chịu khó học tập”, vì ngài là một nhà giáo, nhà mô phạm nên ngài biết rất rõ lợi ích của sự học, và đó cũng là một may mắn khi mình giúp xứ cho ngài.

Thời đại càng tiên tiến thì các linh mục của Giáo Hội cũng phải trang bị cho mình những vốn liếng tri thức căn bản, đừng bao giờ nói mình là cha rồi, sợ gì nữa, không đọc sách cũng biết làm lễ, không cần học hỏi cũng có thể giảng được.v.v...đó chính là những lời ngụy biện che lấp một tâm hồn tự kiêu tự mãn, và rồi sẽ có một ngày cha sẽ lôi lại bài giảng năm trước ra đọc một lèo cho thánh lễ năm nay mà không thêm bớt gì cả.

4.   Lòng biết ơn.

Cần phải biết ơn và cám ơn những người đã nâng đỡ mình trong ơn gọi tận hiến, điều này không nói thì cha cũng biết, tuy nhiên kinh nghiệm cho mình thấy được qua các anh em linh mục khác, khi họ làm linh mục rồi thì không còn đối đãi tự nhiên với những người đã giúp đỡ cách này hay cách khác, và thậm chí, có khi buông những lời nói và hành động không mấy tốt đẹp. Cám ơn Thiên Chúa đã đành, nhưng còn phải biết ơn Giáo Hội qua Đức Tổng giám quản giáo phận Bắc Ninh, cám ơn giáo phận Bắc Ninh đã đùm bọc cha trong suốt quảng đường sau này khi thời gian khó khăn xảy đến, cám ơn các linh mục giáo sư, vì các ngài chắc là không mấy hài lòng khi chúng ta học hành, và cám ơn những ai đã nâng đỡ cha trong suốt hành trình của ơn gọi.

Cha cũng như mình phải luôn nhớ rằng, mình là một mầm cây đã già cỗi rồi, một hạt giống đã chai sạn rồi, (cha chịu chức linh mục khi 55 tuổi, mình chịu chức linh mục khi 45 tuổi) không một người ươm cây nào lại chọn mình cả, vì họ không hy vọng mầm cây già cỗi sẽ sống, và cũng không hy vọng hạt giống chai sạn sẽ nẩy mầm non tươi tốt.

Nhưng nghĩa phụ (cha bố) của chúng ta đã yêu thương, can đảm đón nhận chúng ta như là một món quà quý báu mà Chúa trao tặng cho ngài, do đó lòng biết ơn này phải đặc biệt, bởi vì nếu ngài không nhận chúng ta làm con để chăm nom từ vật chất đến tinh thần, truyền đạt kinh nghiệm sống và mục vụ cho chúng ta, và những điều tế nhị khác mà Bố đã quan tâm lo lắng, thì chắc chắn chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay.

Mình may mắn giúp xứ cho Bố liên tiếp xấp xỉ 13 năm, với thời gian dài này mình học được rất nhiều điều nơi Bố, nhất là về đời sống tu đức và công tác mục vụ, và lòng yêu thương các ơn gọi nơi Bố, và mỗi lần về thăm đều được Bố yêu thương chia sẻ mục vụ với Bố, đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của mình. Do đó, sau khi nhận được bài sai đi coi xứ, cha nhớ -nếu có dịp- thì về thăm Bố với tất cả tâm tình con thảo, đừng viện cớ bận công việc để rồi không chia sẻ mục vụ với Bố...

Lòng biết ơn này, cha cũng phải trãi dài nơi các anh em linh tông, bởi vì chính các anh em nầy cùng với Bố là một, vẫn luôn nhớ và cầu nguyện cho cha, nâng đỡ cha bằng cách này hay cách khác, mà thực ra, con cái của Bố không nhiều đâu, chỉ có anh linh mục Giuse Đoàn Văn Thịnh (hạt trưởng hạt Chí Hòa, Sài Gòn), anh linh mục Tôma Huỳnh Bữu Dư (cha sở nhà thờ Đức Bà Hòa Bình- người Hoa- Sài Gòn 1), chị Trần Thị Đông đang giúp đỡ Bố, mỗi người một vẻ mà cha có thể học hỏi hoặc sẵn sàng giúp đỡ cha khi cần.

Bố Mẹ của cha đã được Chúa gọi về, nhưng lòng biết ơn của cha đối với song thân cần phải thể hiện mỗi ngày trong thánh lễ, cầu nguyện cho các ngài, bởi vì trên trời, ông bà cố vẫn luôn càu bàu cho cha trên con đường ơn gọi, nếu một lúc nào đó, cha dành thời gian để ôn lại quãng đường ơn gọi này, thì cha sẽ thấy Chúa an bài cách lạ lùng cho cha, qua sự cầu bàu của ông bà cố...

Cha Định thân mến,
Trên đây là bốn điểm chính mà mình muốn chia sẻ với cha nhân ngày cha chịu chức linh mục, ngày ấy lòng cha trang nghiêm nhưng mạnh dạn tiến lên trước mặt Đức Tổng Giám Mục, tuyên thệ sẽ vâng lời ngài và đưa hai tay ra để ngài xức dầu thánh hiến cho cha, để từ này về sau, đôi tay cha sẽ chúc lành cho mọi người, nhất là những người bệnh hoạn, những người bất hạnh, và các con chiên bổn đạo của cha. Rồi tai cha sẽ được nghe những lời chúc tụng chân thành nhất mà mọi người dành cho cha, cha sẽ thấy người ta quý trọng thiên chức linh mục là như thế nào, để rồi cố gắng sống như những lời chúc tụng cao đẹp và quý trọng ấy của giáo dân.

Linh mục chính là Alter Christus (Chúa Ki-tô thứ hai), do đó mà linh mục phải làm những việc mà Chúa Giê-su đã làm, đó là: biết tha thứ cho người có lỗi, biết thông cảm với người oan ức, biết quan tâm đến tha nhân, biết cầu nguyện không ngừng, biết hy sinh chính mình để chiên được sống.v.v...

Xin Đức Mẹ Maria là mẹ của các linh mục luôn gìn giữ và ban ơn cho cha trong ngày trọng đại này và mãi mãi, để cha trở nên một Giê-su thứ hai con của Mẹ.

Nhớ cầu nguyện cho nhau.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.