Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Bài giảng lễ trong ngày lễ tứ tộc...

BÀI GIẢNG LỄ TRONG NGÀY LỄ TỨ TỘC
CẦU CHO LINH HỒN TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI TẠI GIÁO XỨ TÂN MỸ - TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
 
 
Kính thưa cha sở,
Trước hết con xin chân thành cám ơn cha đã ưu ái dành cho con chủ tế và chia sẻ trong thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ trong dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập giáo xứ Tân Mỹ, đây là một vinh dự lớn lao cho con. Một lần nữa con xin chân thành cám ơn cha.

Kính thưa ông bà anh chị em,
“Uống nước nhớ nguồn” đó là câu ca dao mà mỗi người trong chúng ta đều thuộc lòng khi còn bé, bởi vì cây có cội, nước có nguồn. Trong tâm tình của ngày lễ hôm nay, tôi xin chia sẻ với anh chị em điều răn thứ tư của Thiên Chúa: “Thảo kính cha mẹ”.

TRONG GIA ĐÌNH

a.   Chăm sóc cha mẹ.

Hiếu thảo với cha mẹ chính là chăm sóc khi các ngài còn sống, tức là phụng dưỡng để các ngài không còn cảm thấy cô đơn thiếu thốn điều gì.

Có những người con nghĩ rằng, thảo kính cha mẹ là gởi tiền về cho cha mẹ tiêu xài là được rồi, nghĩa là không để cha mẹ thiếu thốn gì cả, nhưng rồi họ chẳng hề về thăm các ngài khi có thể được. Họ đâu biết rằng, lòng dạ yêu thương con cái của các ngài vẫn cứ như ngày họ còn nhỏ, dù cho bây giờ họ đã lớn, đã lập gia đình, đã thành công trong cuộc sống, nhưng cha mẹ vẫn cứ coi họ như thằng cu con bé như ngảy họ còn nhỏ ê a đến trường.

Khoa học phát triển, con người càng ngày càng chạy đua với thời gian và công việc làm ăn, cho nên có những người con cảm thấy không có thời giờ chăm sóc cha mẹ, thế là họ đem cha mẹ mình gởi vào viện dưỡng lão và nhờ người khác chăm sóc, mà người khác chăm sóc thì chẳng phải yêu thương mà là vì tiền lương mà họ đã nhận, thế là cha mẹ ở viện dưỡng lão càng ngày càng ít thấy con trai con gái mình đến thăm. Một tuần, hai tuần và có khi cả mấy tháng mới đến thăm cha mẹ ở viện dưỡng lão một lần, làm cho cha mẹ cảm thấy như con cái bỏ rơi mình. Và khi đến thăm cha mẹ thì họ lâu lâu mới dẫn theo con của mình, thế là cháu thấy ông bà nội (ngoại) thì nhận không ra, không dám để cho ông bà ẳm, rờ đầu vuốt tóc âu yếm, có khi khóc ré lên khi thấy ông bà nội (ngoại) của mình...

Thảo kính cha mẹ là hết lòng phụng dưỡng khi các ngài còn sống, khi có thể được thì nên đem vợ chống con cái mình về thăm cha mẹ, đó là bày tỏ lòng hiếu thảo rõ ràng nhất của chúng ta vậy...

b.   Anh chị em yêu thương nhau.

Thảo kính cha mẹ cũng còn là anh chị em trong gia đình biết yêu thương nhau, bởi vì anh chị em cùng cha cùng mẹ mà không biết yêu thương nhau, thì chẳng khác gì những lưỡi dao đâm vào trái tim của cha mẹ vậy.

Có những gia đình, vì gia tài của cha mẹ mà anh chị em trong nhà chửi bới nhau, kiện nhau ra tòa; có những gia đình quan tài cha mẹ còn để trong nhà mà anh chị em đã xâu xé nhau, tranh nhau gia tài, chẳng khác gì con cái lấy bùn trát vào mặt cha mẹ, dùng trấu xát vào linh hồn cha mẹ mình.

Anh chị em yêu thương nhau là niềm hạnh phúc của cha mẹ, không một cha mẹ nào vui vẻ khi con cái mình đấu đá nhau, xâu xé nhau và ghen ghét lẫn nhau, bởi vì con cái chính là món quà đẹp nhất và quý nhất mà Thiên Chúa ban cho cha mẹ, giờ đây chính những con cái ấy của mình, đã vì gia tài của mình mà trở thành thù địch nhau như những kẻ xa lạ. Quả thực không còn thảm cảnh nào tệ hơn thế nữa trong một gia đình khi cha mẹ còn sống, và càng đau thương hơn khi cha mẹ đã qua đời...

Anh chị em yêu thương nhau chính là cách báo hiếu cha mẹ thực tế và rõ ràng nhất, chính là điều làm cho cha mẹ hạnh phúc và hãnh diện nhất, bởi vì đó chính là thành quả của sự giáo dục con cái mà các ngài đã dạy dỗ nên người.

Cuộc sống ngày càng phức tạp, sự thích hưởng thụ càng làm cho con người ta yêu thích tiền bạc vật chất hơn tình nghĩa anh em chị em, người ta lấy sự giàu có để đo lường tình cảm của nhau, chứ không phải vì tình yêu, việc này cũng đang len lỏi vào trong gia đình, và làm cho anh chị em trở thành những con người xa lạ với nhau khi phân chia nhau chăm sóc nuôi nấng cha mẹ già: anh chị giàu có bỏ tiền ra để người em nghèo chăm sóc cha mẹ già, do đó mà khi chăm sóc cha mẹ thì đều tủi nhục đắng cay, người bỏ tiền ra thì cả năm không hề về nhà thăm cha mẹ già đau yếu, và sự rạn nức tình cảm anh em chị em bắt đầu ngay trong gia đình khi cha mẹ còn sống...

GIÁO XỨ TÂN MỸ LÀ MỘT ĐẠI GIA ĐÌNH

Làng Tân Mỹ và giáo xứ Tân Mỹ là một đại gia đình, mà tất cả bốn tộc Trần, Nguyễn, Hồ và Đoàn đều là anh em một nhà không thể phân ly, nhưng là một khối đoàn kết yêu thương trong cùng một đại gia đình Tân Mỹ, mà cha sở chính là cha chung của mọi người.

125 năm trước, bốn tộc trưởng Trần, Nguyễn, Hồ và Đoàn khi cùng nhau chọn mảnh đất Cồn Cỏ-Tân Mỹ này để an cư lập nghiệp, thì chính các ngài cũng hy vọng rằng, con cái cháu chắc sau này của mình sẽ trở thành một đại gia đình sống đoàn kết yêu thương nhau để mở mang Nước Chúa, và nhờ sự đoàn kết và yêu thương ấy mà Tân Mỹ của chúng ta đã tồn tại cho đến nay là được 125 năm.

Anh chị em đoàn kết và yêu thương nhau chính là báo hiếu và thảo kính cha mẹ.

Bốn tộc Trần, Nguyễn, Hồ và Đoàn chính là anh em trong một đại gia đình là Tân Mỹ, cho nên Bốn Tộc không thể tách lìa nhau để trở thành riêng rẻ, để trở thành một kẻ cô đơn trong một gia đình có truyền thống đoàn kết yêu thương, do đó mà khi sự vật nay dời mai đổi, thì tình cảm Bốn Tộc càng gắn bó với nhau hơn, đó chính là “thào kính cha mẹ” vậy.

Bốn Tộc không thể chia lìa nhau, thì những người trong cùng một tộc lại càng không thể tách nhau ra, tuy rằng đời nọ tiếp nối đời kia, người trong tộc phân ra nhiều nhánh nhiều chi, nhưng chung quy vẫn là tộc của mình, do đó mà khi chạp mả chạp giỗ con cháu phải về đông đủ đều nhận nhau là anh em chị em trong tộc, đó chính là “thào kính cha mẹ” vậy.

Hiện nay phong trào xây đắp lăng mộ cho tổ tiên ông bà thật rầm rộ, đó chính là việc làm tốt lành của con cái cháu chắt báo hiếu cho tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng chính việc xây lăng mộ này đã nảy sinh nhiều vấn đề cho con cháu trong tộc với nhau, bởi vì khi xây những lăng mộ cho thật lớn thật đẹp thật kiểu cách cho bằng cho kịp với các tộc khác, thì con cái cháu chắt trong dòng tộc ghen ghét nhau và chia rẻ nhau vì người này đóng góp ít, người kia đóng góp nhiều; để rồi khi lăng mộ của ông bà tổ tiên hoàn thành thì con cháu cũng chia rẻ năm bè bảy mảng không còn muốn nhìn nhau nữa. Đó chính là một tệ hại và đau nhục nhất cho linh hồn tổ tiên ông bà cha mẹ, bởi vì không một tổ tiên dòng tộc nào muốn con cháu hậu duệ của mình chia rẻ phân tán và trở thành thù nghịch nhau.

Ngày chạp giỗ thì cũng bởi đóng góp ít đóng góp nhiều mà tuy cùng một dòng tộc, nhưng lại chia rẻ nhau để “đèn nhà ai nấy rạng” tự mình chạp giỗ cúng ông bà, đó không phải là thảo kính cha mẹ, nhưng là làm cho linh hồn tổ tiên ông bà đau buồn, và những người còn sống (con cháu) cũng chẳng vui vẻ gì để chung vui với các dòng tộc khác trong ngày lễ giỗ chung.

Đoàn kết và yêu thương nhau chính là cách báo hiếu cho tổ tiên ông bà cha mẹ cách tốt đẹp nhất, bởi vì trãi qua 125 năm tồn tại và phát triển, làng họ Tân Mỹ đã hưởng được gia sản quý báu của tổ tiên bốn tộc Trần, Nguyễn, Hồ và Đoàn là sự kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em của mình, thiếu mất điều đó thì làng và họ sẽ chia ra bè phái, người làm việc bên làng nước sẽ vì lợi ích của làng mà chống đối họ đạo, và ngược lại những người làm việc bên họ (giáo xứ) sẽ không hợp tác với bên làng nước.

Làng Tân Mỹ và giáo xứ Tân Mỹ là một, 125 năm nay là như thế, do đó mà phải yêu thương nhau và đùm bọc nhau, khi đã làm được việc đó thì chúng ta đã thực hành điều răn thứ Tư của Thiên Chúa dạy: Thảo kính cha mẹ.

Kính thưa cha sở,
Một lần nữa con xin chân thành cám ơn cha đã ưu ái cho con được chủ tế và đứng đây chia sẻ với bà con trong dịp đại lễ cầu cho linh hồn tổ tiên tứ tộc của làng họ chúng con.

Kính thưa ông bà anh chị em,
Tôi xin cám ơn ông bà anh chị em đã kiên nhẫn nghe những lời chia sẻ tâm tình của tôi –người con Tân Mỹ- sau những năm tháng dài xa quê hương nay được về dâng lễ cầu nguyện và chia sẻ với ông bà anh chị em. Một lần nữa xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

 

Huế, ngày 17.7.2010
Ngày đại lễ cầu cho linh hồn tổ tiên của Tứ Tộc
Trần, Nguyễn, Hồ và Đoàn của làng và giáo xứ Tân Mỹ

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.