Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Sư Khoáng đánh vua

SƯ KHOÁNG ĐÁNH VUA
 

Tấn Bình công và các bộ hạ cùng nhau uống rượu, lúc rượu đang nồng thì ông đắc ý nói: “Ha ha ! không ai làm vua mà sướng như ta! Lời vua nói ra không ai dám vi phạm!

 Sư Khoáng (bậc thầy âm nhạc) đang ngồi bên cạnh nghe lời ấy, bèn lấy cây đàn hồ cầm mà đánh ông ta, Tấn Bình công vội vàng thu vạt áo trước lại mà tránh, đàn bị đánh vào tường hư mất.

Tấn Bình công nói: “Thái sư, ông đánh ai vậy chứ?”

Sư khoáng cố ý trả lời: “Mới vừa rồi có một tên tiểu nhân nói năng lếu láo, do đó tôi nổi giận đánh nó.”

Tấn bình công nói: “Lời nói đó là của ta”

Sư Khoáng nói: “Dà ! đó không phải là lời của người làm vua nên nói !”

Các quan cận thần tả hữu cho rằng Sư Khoáng phạm thượng, nên yêu cầu trừng trị ông ta.

Tân bình công nói: “Thả ông ta ra, ta nên lấy đó làm một tấm gương mà noi theo.”
( Hàn Phi Tử )

Suy tư:

Lời nói của người kiêu ngạo luôn làm cho người khác nghe chói tai và bị phản ứng tức thời.

Lời nói của người khiếm tốn thì đem lại cho người nghe một cảm giác phấn khởi và tin tưởng.

Cũng là một câu nói đó, nhưng có hai phản ứng khác nhau về phía người nghe: người quá khích và xu nịnh thì thích nghe những lời của kẻ kiêu ngạo; người trầm tĩnh và trung thực thì thích nghe những lời nói khiêm tốn.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư