Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Nữ Tu với Lời Chúa


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

 

NỮ TU

VỚI LỜI CHÚA

 


Lời mở đầu

Giáo Hội Việt Nam đã mở ra “Năm Sống Lời Chúa”, đây là một cơ hội lớn nhất cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội, để họ được hun đúc lại việc yêu mến Lời Chúa, được tăng thêm lòng quãng đại khi thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.

Là những người đóng vai trò quan trọng trong công cuộc truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người, các nữ tu cũng hân hoan đón chào “Năm Sống Lời Chúa” này của Giáo Hội Việt Nam, và, hơn tất cả mọi người, các nữ tu suy tư, đào sâu và thực hành Lời Chúa trước –như Đức Mẹ Maria và Thánh cả Giu-se- sau đó đem những gì mình đã cảm nghiệm được trong việc suy tư Lời Hằng Sống đến cho mọi người.

Với tâm tình chia sẻ những cảm nghiệm suy tư về sống Lời Chúa, dù chưa trọn vẹn, nhưng vẫn hy vọng bài chia sẻ này giúp được gì cho các nữ tu chăng ? Xin phó thác cho Thiên Chúa vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
 -------------


NỮ TU ĐƯỢC MỜI GỌI NGHE LỜI CHÚA

Giáo Hội vừa là Mẹ vừa là Thầy của các tín hữu, nhờ sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, đã không ngừng đề cao việc đọc Kinh Thánh và thực hành Lời Chúa dạy trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, chính trong sự cổ võ này, Giáo Hội đưa ra mẩu gương tuyệt vời nhất về việc nghe và thực hành Lời Chúa, đó chính là Mẹ Maria và Thánh cả Giu-se.

Với Đức Mẹ Ma-ri-a thì công đồng Va-ti-can II đã xác định rằng: “Khi ưng thuận lời của Thiên Chúa, Đức Mẹ Ma-ri-a đã trở thành Mẹ của Đức Chúa Giê-su và đồng lòng phối hiệp với thánh ý cứu độ của Thiên Chúa mà không bị một tội nào cản lại. Mẹ đã trọn vẹn dâng hiến thân mình cho con người và công cuộc của Con mình, để phục vụ mầu nhiệm ơn cứu chuộc, trong sự tùy thuộc vào Ngài, nhờ ân sủng của Thiên Chúa”[1].

“Ưng thuận” chính là “Xin Vâng”, và từ hai tiếng “Xin Vâng” rất mực cao quý này, đã nảy sinh ra việc dâng hiến trọn vẹn cho chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.

“Mẹ đã góp một phần độc nhất vô nhị vào công cuộc của Chúa Cứu Thế, nhờ sự vâng lời của Mẹ, niềm cậy trông và đức ái nồng nàn của Mẹ, để mang lại sự sống siêu nhiên cho các linh hồn”[2].

A.  Đức Mẹ Ma-ri-a, người được mời gọi để lắng nghe.

Nói đến lắng nghe Lời Chúa, Giáo Hội thường nhắc đến Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng đã nghe và suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình[3]. Mà quả thật là như thế, nếu Đức Mẹ Ma-ri-a không biết lắng nghe lời của Thiên Chúa thì nhân loại sẽ không có một Đấng Mes-si-a, sẽ không có ơn cứu độ bởi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, bởi vì qua sứ thần Ga-bri-en, Thiên Chúa đã bày tỏ ý định của Ngài cho Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, và nói cho Trinh Nữ biết rằng Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế.

Sự lắng nghe Lời Chúa của Đức Mẹ Ma-ri-a được thấy rõ nhất trong những giai đoạn vui mừng nhất và đau khổ nhất của đời Mẹ, hay nói cách rõ ràng hơn, Đức Mẹ Ma-ri-a đã chú tâm nghe Lời Chúa những giai đoạn cuộc đời của Đức Chúa Giê-su, Mẹ đã hoàn toàn kết hợp mật thiết với Ngài để thánh ý của Đức Chúa Cha được thực hiện ở trần gian này, và viên mãn nơi Chúa Giêsu khi Ngài tắt thở trên cây thập giá, trên ngọn đồi Calvê đau thương...

1.   Lắng nghe khi sứ thần truyền tin.

Một nan giải cho Đức Mẹ Ma-ri-a là giữa ý định của Thiên Chúa –qua lời truyền tin của sứ thần- và lời khấn hứa giữ trọn đời đồng trinh của mình ?

Chắc chắn tâm hồn của Đức Mẹ Ma-ri-a rất xao động sau khi nghe lời của sứ thần nói, sự xao động và bối rối này đã được thánh sử Luca thuật lại như sau: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !”[4] chính trong khoảng thời gian này Mẹ Maria đã suy nghĩ rất nhiều, không phải suy nghĩ về việc mình sẽ giữ mình đồng trinh, nhưng suy tư đến lời của Thiên Chúa được sứ thần truyền lại, và suy nghĩ về việc làm của Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ Con Thiên Chúa, chính qua thời khắc “nguy hiểm” và trọng đại này, Mẹ Maria đã được Chúa Thánh Thần soi sáng và hiểu được ý định của Thiên Chúa nên Mẹ đã nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”[5].

Chính Đức Mẹ Ma-ri-a đã đặt Lời của Thiên Chúa trên ý riêng của mình, dù ý riêng –giữ mình đồng trinh- của Mẹ cũng rất đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì có thể nói, ngoài nhân đức khiêm tốn tột cùng của Mẹ- thì chính ước nguyện giữ mình đồng trinh để phục vụ Thiên Chúa này của Mẹ, mà Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm mẹ Đấng Cứu Thế trong chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài.

Khi đặt lời của Thiên Chúa trên tất cả ý riêng của mình, thì Đức Mẹ Ma-ri-a đã quyết tâm sống và thực hành theo Lời Chúa dạy bảo, và quả thật như thế, chính cuộc sống của Mẹ đã phản ảnh cách trung thực nhất nơi Lời của Thiên Chúa hóa thân làm người trong cung lòng Mẹ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Nữ tu là những người đã được lời của Thiên Chúa đánh động, thúc bách dâng hiến đời mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa trong cuộc đời tận hiến, chính khi Lời của Ngài tác động qua Thánh Kinh, qua bài giảng, qua những hoàn cảnh của cuộc sống mà các nữ tu có quyết tâm đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, đó chính là “lời truyền tin của sứ thần” đến với các nữ tu.

Từ những cô thiếu nữ với nhiều mộng ước rất đời, rất vĩ đại cho cuộc sống tương lai, các nữ tu tương lai đã được lời mời gọi của Thiên Chúa đánh động, cũng như Đức Mẹ Ma-ri-a, các thiếu nữ này đã nhiều đêm nhiều ngày phân vân có nên tận hiến cuộc đời với nhiều mộng đẹp tương lai cho Thiên Chúa qua đời sống làm một nữ tu không ? Có nên phá bỏ kế hoạch tương lai mà mình đã vẻ ra không ? Có nên chấp nhận dâng hiến tuổi thanh xuân cho Thiên Chúa không ?

Như Đức Mẹ Ma-ri-a suy niệm lời truyền tin của thiên sứ Ga-bri-en, các thiếu nữ cũng phân vân và lấy Lời Chúa nói với mình qua những thiên sứ Ga-bri-en là hoàn cảnh, là lời cầu nguyện, là lời góp ý của cha mẹ, của người thân, của cha linh hướng.v.v...chính họ là những thiên sứ Gabriel truyền tin cho các thiếu nữ tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa qua một hội dòng, để từ đó phục vụ Ngài cách hăng say và đắc lực hơn.

Như Đức Mẹ Ma-ri-a là người đã bằng lòng với lời mời gọi của Thiên Chúa, thì các thiếu nữ này cũng vậy, chính họ đã để cho Lời Chúa thúc giục, đánh động tâm hồn, và với sự hướng dẫn của Thánh Linh, họ đã mạnh dạn nói với Thiên Chúa rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”[6], và một trang sách mới đã mở ra, các nữ tu đã cưu mang Lời của Thiên Chúa trong lòng mình và để cho Lời được lớn lên trong cuộc đời tận hiến của mình.

2.       Lắng nghe Lời Chúa qua cuộc sống của Đức Chúa Giê-su.

Đức Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa làm người đã tuyệt đối trung thành với ơn gọi cứu chuộc nhân loại của mình, đã luôn luôn thi hành thánh ý của Cha trên trời, và những gì Ngài làm đều là vì để thực hiện ý Cha mà thôi.

Những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su đã được rất nhiều người mở lòng đón nhận, và cũng có rất nhiều người chối bỏ và căm thù Ngài. Nhưng với Đức Mẹ Ma-ri-a thì điều đó đã ứng nghiệm như lời của ông già tiên tri Si-mê-on đã nói: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng”[7], những lời tiên tri ấy và những lời của Đức Chúa Giê-su đã nói, thì Mẹ đã ghi nhớ trong lòng[8] và suy đi nghĩ lại...

Đức Mẹ Ma-ri-a suy đi nghĩ lại những lời nói của Đức Chúa Giê-su cũng như những công việc mà Ngài đã làm, không phải để khi có dịp là khoe khoang con mình với hàng xóm, nhưng là để nhìn ra được ý của Thiên Chúa Cha qua những lời giảng dạy của con mình.

Gần ba năm bôn ba khắp miền Ga-li-lê-a để giảng dạy tin vui Nước Trời, Đức Chúa Giê-su đã trở thành “cái gai nhọn” cần phải nhổ trong mắt các kinh sư và người biệt phái, tuy không thường xuyên đi theo Đức Chúa Giê-su để nghe Ngài giảng, nhưng tình yêu thương của Mẹ đã liên kết mật thiết Mẹ với con của mình, làm cho thường xuyên đi theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng, nhưng tình yêu thương của Mẹ đã liên kết mật thiết với con của mình làmMĐức Mẹ Ma-ri-aĐức Mẹ Ma-ri-a Đức Mẹ Ma-ri-a biết và linh cảm được những gì mà người ta dành cho Đức Chúa Giê-su, sự đồng cảm này, ngoài tình mẫu tử ra, thì còn có việc suy tư Lời Chúa nơi Đức Mẹ Ma-ri-a, việc suy tư và tin tưởng vào Lời Chúa này đã làm cho Mẹ can đảm đi theo Đức Chúa Giê-su lên núi Sọ, nhìn thấy quân lính đóng đinh chân tay con mình vào thập giá, và cuối cùng thì chứng kiến con mình chết đau khổ như tên tội phạm trên thập giá. Chỉ có những ai biết suy tư, biết tin tưởng và yêu mến Lời Chúa thì mới có thể làm được những việc phi thường ấy, Đức Mẹ Ma-ri-a là mẫu gương thứ nhất đã làm điều đó.

Đức Chúa Giê-su chính là Ngôi Lời mặc xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta[9], chính Ngài là Lời của Đức Chúa Cha và là hình ảnh của Đức Chúa Cha vô hình[10], nhìn thấy và cảm nghiệm được Đức Chúa Cha qua cuộc đời của Đức Chúa Giê-su là điều mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất xác tín và yêu mến, bởi vì cuộc sống khó nghèo và vâng phục của Đức Chúa Giê-su cũng như lời Ngài giảng dạy, đã làm cho lòng Mẹ cháy lên tình yêu mến thiên đàng, và do đó, không ngần ngại hy sinh con mình để thánh ý của Thiên Chúa Cha được thực hiện.

Cũng như Đức Mẹ Ma-ri-a, các nữ tu cũng luôn nhìn thấy Đức Chúa Giê-su qua cuộc sống cộng đoàn trong hội dòng của mình, hoặc trong cộng đoàn nhỏ của mình, trước hết đó là nhìn thấy Đức Chúa Giê-su trung thành kiên cường với ơn gọi tu trì nơi bề trên, nơi những chị em lớn tuổi, sau đó nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đầy nhiệt thành năng động với công việc truyền giáo nơi các chị em trẻ trung như mình, và sau hết nhìn thấy Đức Chúa Giê-su đang thôi thúc mình tìm thánh ý của Ngài, qua đời sống tận hiến của chính bản thân mình. Đó chính là cách nhìn của Đức Mẹ Ma-ri-a, cách nhìn thấu suốt hoàn cảnh để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa.

3. Suy gẫm thánh ý Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giê-su.

Trên đồi Gol-go-tha, một hình ảnh đẹp nhất và bi hùng nhất trong lịch sử của nhân loại: con –Đức Chúa Giê-su- bị đóng đinh trên thập giá, mẹ -Đức Ma-ri-a- đứng dưới thập giá lòng nát tan, tim như bị đâm thâu, cùng đồng cảm đau thương với con của mình. Cái gì đã làm cho Mẹ đứng vững chắc chắn như cây thập giá nơi treo con mình kia ? Đó chính là Lời Chúa mà Đức Mẹ Ma-ri-a đã hằng suy gẫm trong lòng làm cho Mẹ đứng vững, chính việc suy gẫm này mà Mẹ hiểu được sứ mạng của con mình –Đức Chúa Giê-su- để rồi dũng cảm dâng tiến con mình làm của lễ toàn thiêu thượng tiến Chúa Cha để đền tội thay cho nhân loại. Nếu không suy tư và hiểu Lời Chúa thì Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như tất cả các phụ nữ khác sẽ kêu gào khóc lóc, chửi rủa những người đóng đinh con mình vào thập giá. Chính dưới chân thập giá này, Đức Mẹ Ma-ri-a càng thấm hiểu hai chữ “Xin Vâng” mà Mẹ đã thưa với sứ thần trong ngày truyền tin; “Xin Vâng” để hy sinh, “Xin Vâng” để hiến tế con mình, “Xin Vâng” để trọn cuộc sống của mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Qua sự khổ nạn và sự chết của Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a càng được sung mãn ơn Đức Chúa Thánh Thần hơn, để hiểu rõ thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giê-su.

Đức Mẹ Ma-ri-a đã hiểu gì khi Đức Chúa Giê-su bị thầy thượng tế Cai-Pha xé áo mình ra và tuyên bố Đức Chúa Giê-su nói phạm thượng, Mẹ hiểu rằng Đức Chúa Giê-su không nói phạm thượng nhưng là nói sự thật; Đức Mẹ Ma-ri-a đã nghĩ gì khi nhìn thấy những người mà hôm qua hôm kia đây thôi, đã được Đức Chúa Giê-su chữa lành các bệnh tật, bây giờ đồng thanh lên án đóng đinh Ngài vào thập giá, Mẹ hiểu rằng thời điểm mà ông già tiên tri Si-mê-on tiên báo đã tới: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng”[11]đã đến; Đức Mẹ Ma-ri-a đã nghĩ gì khi thấy con mình vác thập giá lên núi Sọ để chịu chết, Mẹ nghĩ đến tất cả những ai tin vào Đức Chúa Giê-su và ưng thuận vác thập giá của mình cùng đồng hành với Ngài sẽ được ơn cứu độ.v.v...và Đức Mẹ Ma-ri-a còn suy nghĩ đến rất nhiều người tội lỗi sẽ được ơn hoán cải nhờ sự đau khổ này của Đức Chúa Giê-su...

Đức Mẹ Ma-ri-a hiểu Lời Chúa và sống Lời Chúa qua Đức Chúa Giê-su, cuộc sống của Chúa Ngài chính là toàn bộ lời của Đức Chúa Cha muốn nói với Mẹ và với nhân loại, cho nên dù Đức Chúa Giê-su đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, bị người ta tung hô hay phản đối, thì Đức Mẹ Ma-ri-a vẫn luôn nhìn thấy ý của Đức Chúa Cha nơi con người của Đức Chúa Giê-su để xin vâng và thực hiện lời xin vâng ấy của mình, đó chính là mẫu mực tu đức của những người muốn đi theo làm môn đệ của Đức Chúa Giê-su: nhìn thấy Lời Chúa qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Đức Chúa Giê-su là toàn bộ cuộc sống của người nữ tu, đó chính là mục đích của đời tận hiến, không ai có thể thực hành thánh ý của Thiên Chúa nếu không ngày đêm suy gẫm mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa nơi con người của Đức Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a đã làm như thế và Mẹ đã đứng vững như cây thập giá trên đồi cao khi tế lễ con mình cho Đức Chúa Cha.

 B.  Thánh cả Giu-se, người thực hành thánh ý Thiên Chúa.

Và với Thánh cả Giu-se thì Giáo Hội –qua thánh Bê-na-di-no Siena- dạy rằng: “Đức Chúa Cha hằng hữu đã chọn thánh Giu-se để thánh nhân trung thành dưỡng nuôi và gìn giữ Đức Chúa Giê-su Con Thiên Chúa và Đức Mẹ Ma-ri-a hiền thê của thánh nhân. Đây là hai kho tàng qúy giá nhất của Người, thánh nhân đã chu tòan nhiệm vụ ấy một cách trung thành”[12].

 Thánh cả Giu-se, trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa có một vai trò rất quan trọng, bởi chính Thiên Chúa đã chọn ngài làm đấng bảo trợ, dưỡng nuôi và dạy dỗ Đức Chúa Giê-su –Ngôi Hai Thiên Chúa làm người- và hiền thê của ngài là Đức Mẹ Ma-ri-a. “Chính nhờ thánh nhân đứng bảo lãnh mà Đức Chúa Ki-tô đã vào trần gian một cách hợp pháp và đàng hoàng”[13], và bởi công đức lớn lao ấy mà Thánh cả Giu-se đã được chọn làm đấng bảo trợ toàn thể Giáo Hội tại trần gian của Đức Chúa Giê-su.

Chính ngài chứ không ai khác, đã thực hiện thánh ý của Thiên Chúa cách âm thầm nhưng hiệu quả, bởi vì từ khi biết được Đức Mẹ Ma-ri-a thụ thai Con Thiên Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần[14], thì Thánh cả Giu-se –với một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa- đã trở thành một con người thực hành thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, ngay trong chính cuộc sống âm thầm của mình. Ngài âm thầm thực hiện ý của Thiên Chúa qua việc phục vụ Con Thiên Chúa làm người và Đức Mẹ Ma-ri-a.

Mừng vui vì đã biết ý định của Thiên Chúa.

Phúc âm của thánh Mát-thêu ghi lại rằng: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”[15], rõ ràng là Thánh cả Giu-se cũng rất buồn phiền khi biết Đức Mẹ Ma-ri-a cưu mang mà không rõ nguyên do, ngài cũng có những toan tính rất đời thường mà người công chính đạo đức thường làm, đó là không làm hại danh dự người mình thương yêu với bất cứ lý do nào, cho nên mới dự định âm thầm bỏ đi. Dù rằng chưa hiểu và chưa biết ý định của Thiên Chúa qua việc cưu mang của Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng Thánh cả Giu-se cũng đã nhìn nhận Đức Mẹ Ma-ri-a là con người có cuộc sống rất đoan trang thùy mị khả ái, do đó dù rất buồn và thất vọng, nhưng ngài cũng vẫn xử sự với Đức Mẹ Ma-ri-a với thái độ mến yêu. Và Thiên Chúa đã can thiệp, vì Ngài không muốn để người công chính phải đau khổ thất vọng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân người khỏi tội lỗi của họ[16], lời báo mộng của thiên thần đã làm cho Thánh cả Giu-se bừng tỉnh, thoát ra khỏi những buồn bực thất vọng, và ngài đã vui mừng khiêm tốn đón nhận Mẹ Maria làm vợ mình như lời của sứ thần.

Niềm vui ập tới, không phải bởi đất nhưng bởi trời, không phải từ loài người nhưng từ thiên sứ, và Thánh cả Giu-se đã nhận ra ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi lời của sứ thần, ngài thật sự đang cộng tác vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Ý định của Thiên Chúa đã rõ qua việc thụ thai kỳ lạ của Đức Mẹ Ma-ri-a, qua việc báo mộng của thiên sứ, và Thánh cả Giu-se đã âm thầm thực hiện thánh ý của Thiên Chúa trong việc bảo vệ và chăm sóc Hài Nhi Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a. Sự âm thầm phục vụ này, Giáo Hội qua mọi thời đại vẫn luôn nêu cao gương sáng thực hiện ý định Thiên Chúa của Thánh cả Giu-se, ngài là đấng công chính, âm thầm và tín nghĩa; chúng ta có thể nói với đức công chính và việc âm thầm thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, Thánh cả Giu-se đã góp một phần vào nền tảng tu đức của các cộng đoàn trong Giáo Hội Công Giáo: âm thầm phục vụ, thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong lao động hằng ngày nơi chính bản thân của mình. Cuộc đời của Thánh cả Giu-se, của Đức Mẹ Ma-ri-a và của Đức Chúa Giê-su đều giống nhau ở một điểm là thi hành thánh ý của Đức Chúa Cha cách tuyệt vời, và nếu không lầm thì chúng ta có thể suy thêm rằng, chính sự vui vẻ thực hành thánh ý của Thiên Chúa mà Thánh cả Giu-se càng trở nên người công chính hơn, và là mẫu gương cho những ai biết để cho Lời Chúa soi sáng hướng dẫn mình.

Mỗi một nữ tu phải mang trong mình tinh thần lắng nghe Lời Chúa và âm thầm phục vụ tha nhân trong đời sống tận hiến của mình, bởi vì chúng ta thích những mẫu gương anh hùng nổi bật và chúng ta muốn học đòi cho bằng được những mẫu gương tuyệt vời ấy, nhưng có lẽ, gần gủi với người tận hiến nhất là sự âm thầm phục vụ chị em trong cộng đoàn nơi các nữ tu. Ơn Đức Chúa Thánh Thần thì chỉ là một, nhưng hiệu quả của ơn thánh thì có nhiều tùy theo khả năng và lòng ước muốn của người lãnh nhận, Thánh cả Giu-se cũng đầy tràn ơn Đức Chúa Thánh Thần như Đức Chúa Giê-su và như Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng ngài âm thầm phục vụ cách khiêm tốn bằng chính đời sống lao động chân chính của mình.

Không ai nhạy bén nhận ra ý của Thiên Chúa cho bằng những người tận hiến, và đặc biệt là các nữ tu, bởi vì với tính nhạy cảm, lòng hướng thượng, tâm hồn đơn sơ cộng với ơn Chúa, thì rõ ràng các nữ tu nhận ra thánh ý của Thiên Chúa qua lời Ngài “nói” với họ trong Kinh Thánh cũng như trong cuộc sống hằng ngày vậy.

Âm thầm phục vụ và âm thầm chịu đau khổ.

Thực hiện ý Thiên Chúa là niềm vui của người tận hiến, Thánh cả Giu-se là mẫu người thực hiện thánh ý của Thiên Chúa cách tuyệt vời như Đức Mẹ Ma-ri-a, ngài phục vụ Lời Chúa trong âm thầm và trách nhiệm với một niềm vui khôn tả: phục vụ Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a, mà ngài biết là những người được Thiên Chúa tuyển chọn cho sứ mạng cứu thế của Ngài.

Âm thầm phục vụ là điều mà các nhà tu đức luôn tâm đắc, cũng như các thánh nam nữ của Giáo Hội đã làm, đó cũng chính là điều mà những người tận hiến cho Thiên Chúa cần phải luyện tập và học hỏi cho bằng được như Thánh cả Giu-se đã làm. Ngài âm thầm phục vụ thánh ý của Thiên Chúa qua công việc hằng ngày, như Đức Chúa Giê-su là thân phận Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trút bỏ vinh quang ấy để trở nên một kẻ phàm nhân[17], Thánh cả Giu-se cũng đã không làm nổi bật quyền gia trưởng của mình như những người cha gia đình khác, nhưng ngài biết rằng, bổn phận đương nhiên của người cha gia đình là săn sóc, bảo vệ và dạy dỗ con cái nên người, cho nên ngài âm thầm làm tốt và làm tròn bổn phận của người cha người chồng trong gia đình, chính sự khiêm tốn và đầy trách nhiệm này mà Thiên Chúa đã chọn ngài nuôi nấng dạy dỗ Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su chăng ! Nhưng trên tất cả mọi việc, thánh cả Giu-se đều luôn ý thức rằng Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria là hai con người đặc biệt của Thiên Chúa, và phục vụ họ chính là phục vụ Thiên Chúa vậy.

Tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa chính là trót cả cuộc đời của người tận hiến thuộc trọn về Ngài, sẵn sàng vâng theo ý của Ngài trong mọi lúc, các nữ tu đã lựa chọn cho mình một cuộc sống thuộc về Thiên Chúa, cũng có nghĩa là các nữ tu đã đi theo con đường mà Thánh cả Giu-se đã đi là âm thầm phục vụ tha nhân trong chính bổn phận của mình, bởi vì hơn tất cả những người khác, các nữ tu cũng luôn nhận ra rằng con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa, và linh hồn của họ được cứu chuộc bằng giá rất đắc là cái chết đau thương của Đức Chúa Giê-su, cho nên khi phục vụ tha nhân là các nữ tu đã phục vụ chính Thiên Chúa trong con người của họ.

Thánh cả Giu-se đã âm thầm phục vụ thánh ý của Thiên Chúa, và chính ngài cũng đã âm thầm chịu đựng những đau khổ dày vò, khi thấy Đức Mẹ Maria mang thai Chúa Giê-su, ngài đau khổ mà không lên tiếng, ngài bị dằn vặt bởi những tư tưởng rất loài người và cũng rất công chính là âm thầm bỏ đi, sự đau khổ của yêu thương thì lớn hơn tất cả những đòn roi vọt nơi thân xác, mà âm thầm chịu đựng thì lại càng đớn đau gấp bội, thánh cả Giu-se đã làm như thế bởi vì ngài là người công chính.

Có những việc phục vụ trong âm thầm, thì cũng có những chịu đựng đau khổ cách âm thầm, chịu đựng những hiểu lầm của người khác, nhất là những đau khổ do các chị em trong cộng đoàn gây ra. Chính những đau khổ này mà có những nữ tu đã cảm thấy mình không có ơn gọi tu dòng, bởi vì các nữ tu ấy nghĩ rằng, việc thực hiện thánh ý của Thiên Chúa cách âm thầm mới là quan trọng và coi thường việc âm thầm chịu đựng những đau khổ, cho nên khi đau khổ đến thì họ không còn giữ được tình trạng âm thầm thực hiện ý Thiên Chúa nữa, mà chỉ có oán hờn người này trách người nọ mà thôi, và cuối cùng họ bỏ mất ơn gọi của mình. Các nữ tu ấy không biết rằng, Đức Chúa Giê-su đã thực hiện thánh ý của Cha trên trời, và âm thầm chịu đựng những đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn; Đức Mẹ Ma-ri-a đã thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, và đã âm thầm chịu đựng những đau khổ lớn nhất nơi tâm hồn là cái chết của Con mình là đỨC Chúa Giê-su; thánh cả Giu-se đã âm thầm thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, và âm thầm chịu dằn vặt, đau khổ trong tâm hồn khi thấy Đức Mẹ Ma-ri-a cưu mang Đức Chúa Giê-su mà chưa biết nguyên do...

Thánh cả Giu-se và Đức Mẹ Ma-ri-a là những con người được Thiên Chúa tuyển chọn, để làm thêm đậm nét phong phú của chương trình tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Chúa Giê-su, bằng sự âm thầm chịu đựng những đau khổ nơi thân xác và trong tâm hồn, kết hợp với những đau khổ của Đức Chúa Giê-su phải chịu vì tội lỗi chúng ta. Cũng vậy, chính những âm thầm chịu đựng những đau khổ của mình, mà đời sống của các nữ tu càng thêm phong phú hơn và trở nên hoàn hảo hơn trong đời sống tận hiến của mình, nét nổi bật nơi con người tận hiến của các nữ tu không phải là những thành công rực rỡ bên ngoài, bởi vì những thành công đó ai cũng có thể làm được, nhưng chính là những âm thầm chịu đựng những đau khổ vì thập giá của Đức Chúa Giê-su, và để hy sinh đền tội mình cũng như của tha nhân.

Thiên Chúa không lầm khi chọn thánh cả Giu-se làm dưỡng phụ của Đức Chúa Giê-su và chăm sóc Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì suốt cuộc đời của ngài đều luôn thi hành thánh ý của Thiên Chúa, thì chính Thiên Chúa cũng không lầm khi chọn những con người tận hiến cho Ngài để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc của Đức Chúa Giê-su qua chính cuộc sống của mình, đó chính là điều mà các nữ tu phải thấy và phải hiểu sứ mạng cao quý của mình mà Thiên Chúa đã trao cho, như đã trao gia đình Na-gia-rét cho thánh cả Giu-se.

Thánh cả Giu-se đã chu toàn sứ mạng của mình qua việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa cách âm thầm nhưng can đảm và anh hùng, ngài không dành một vinh quang trần thế nào cho mình dù ngài đáng được hưởng, và chính Thiên Chúa cũng muốn người tôi tớ trung tín của Ngài cũng như vậy, nên đã để ngài an bình ra đi trong tay Đức Mẹ Ma-ri-a và Đức Chúa Giê-su, như sách Khôn Ngoan đã ca tụng người công chính:
“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa
và chẳng cực hình nào động tới được nữa....”[18].
“Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm,
họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy.
Họ sẽ xét xử muôn dân, và thống trị muôn nước,
và Đức Chúa là vua của họ đến muôn đời”[19].

Thánh cả Giu-se là mẫu gương yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa và khiêm tốn thực hiện Lời Chúa trong âm thầm của những người tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, khi bị cám dỗ khoe khoang muốn cho mọi người biết là mình đang âm thầm thực hiện ý Thiên Chúa, thì các nữ tu hãy cầu xin Thánh cả Giu-se ban ơn giúp đỡ, để mình được bắt chước ngài càng trở nên âm thầm hơn, khiêm tốn hơn, không những trong mọi việc chung của cộng đoàn, mà ngay cả trong việc phục vụ tha nhân của mình nữa, bởi vì như thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la tiến sĩ đã nói:  “Không có việc gì tôi kêu cầu với thánh Giu-se mà không được nhậm lời”.

Thánh cả Giu-se rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa, nên đã thưởng công cho ngài và “đặt thánh nhân lên bậc phụ vương, giao cho người quản trị nhà Thiên Chúa ”[20] như Hội Thánh đã tuyên xưng trong ngày lễ trọng kính Thánh cả Giu-se vậy.

NỮ TU ĐƯỢC MỜI GỌI SỐNG LỜI CHÚA

Tuy nhiên trong cuộc sống của các nữ tu, Lời Chúa không phải là lời duy nhất chiếm độc quyền, nhưng còn có những lời khác du dương và thực tế hơn, hợp với thế gian hơn mà lời đó có khi làm cho người nữ tu cảm thấy Lời Chúa đối với mình không thực tế chút nào, lời đó nó sẽ mạnh gấp thêm khi có hoàn cảnh thuận tiện, lời đó chính là lời mời mọc của thế gian, của hưởng thụ và của tiếc nuối hối hận vì mình phí tuổi thanh xuân trong bốn bức tường của tu viện, do đó, Lời Chúa mà các nữ tu đã đón nhận trong ngày “truyền tin” cần phải được suy tư, soi sáng và thực hành hơn nữa, để ơn sủng của Thiên Chúa tuôn tràn xuống tâm hồn của các nữ tu, như đã tuôn đổ xuống trên Đức Mẹ Ma-ri-a.

Lắng nghe Lời Chúa như lắng nghe tiếng thanh thót của tình yêu êm dịu nhỏ giọt trong tâm hồn, nó êm dịu nhưng tràn trề sức mạnh có thể làm cho các nữ tu vượt các thử thách; nó thanh thản nhưng thôi thúc người nữ tu phải quyết tâm yêu mến, nó ngấm từ từ nhưng bén rễ sâu trong tâm hồn của các nữ tu. Và nhờ đó mà cuộc sống của các nữ tu tuy đơn sơ nhưng khôn ngoan trong cách xử thế, tuy hiền lành nhưng mạnh mẽ trong cách sống và thật khiêm tốn nhưng cao sang dưới con mắt của người đời.

Bây giờ cô thiếu nữ ngày xưa ấy đã trở thành một nữ tu, một nữ tỳ của Thiên Chúa, và do đó mà các nữ tu càng thấy rõ mình có hai trách nhiệm phải chu toàn trong đời sống tận hiến, hai trách nhiệm nầy, rất cơ bản và là nền tảng của mọi hành động trong đời sống tận hiến của các nữ tu, đó là: yêu mến đọc Thánh Kinh và luôn tìm dịp để thực hành Lời Chúa.

-      Yêu mến đọc Thánh Kinh.

Đức Mẹ Ma-ri-a là một tín hữu trung thành lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong cuộc sống của mình, chính Mẹ đã ngày đêm suy tư Lời Chúa qua các sách tiên tri và đặc biệt qua những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, do đó mà khi có người phụ nữ nói rằng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !”[21]  Nhưng Đức Chúa Giê-su thay vì xác nhận thì Ngài lại tuyên bố: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”[22] như vậy Đức Mẹ Ma-ri-a là người được hạnh phúc cả hai, vì chính Mẹ đã cưu mang và suy niệm thực hành lời của Thiên Chúa. Chỉ có luôn suy tư Lời Chúa trong Thánh Kinh, chỉ có đặt niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa, nên Mẹ mới có niềm xác tín như thế, xác tín với lòng khiêm tốn “làm người tôi tớ” của mẹ Đấng cứu thế, và Thiên Chúa đã chọn Mẹ chứ không chọn ai khác, làm mẹ Đấng cứu thế.

Thật không quá cường điệu khi nói rằng, các nữ tu khi đọc và suy niệm Thánh Kinh thì cũng là những người được gọi là mẹ của Đức Chúa Giê-su, bởi vì trước hết là lời hứa của Đức Chúa Giê-su khi Ngài  đưa tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”[23]. Lời hứa này, Đức Chúa Giê-su dành cho tất cả những ai nghe và giữ lời của Ngài trong cuộc sống, nhưng đặc biệt hơn, chính là các nữ tu, những người đã trở nên nữ tỳ của Thiên Chúa qua đời sống tận hiến của mình, như Đức Mẹ Ma-ri-a đã khiêm tốn và can đảm vạch ra cho mình đường hướng tu đức: vâng lời và phục vụ tha nhân.

Đọc Kinh Thánh hằng ngày là được trò chuyện với Đấng tối cao, là được ngắm khuôn mặt của Đức Chúa Giê-su trong đức tin, đức cậy và đức mến, là điều mà tiên tri Si-mê-on đã ao ước trước khi từ giã cuộc đời; đọc Kinh Thánh hằng ngày là được tâm sự với Đấng tình lang của mình –là Đức Chúa Giê-su- mà không sợ cô đơn buồn tủi; đọc Kinh Thánh hằng ngày là hiểu được ý định của Thiên Chúa muốn gì nơi mỗi người; đọc Kinh Thánh hằng ngày là chia sẻ với Đức Chúa Giê-su những buồn vui trong cuộc sống trần thế của Ngài....đó chính là động lực thúc đẩy các nữ tu mỗi ngày quyết tâm hơn trong đời sống tận hiến của mình.

 

Không một tình yêu chân thành nào lại không có những đau khổ và hiểu lầm, trong tình yêu của nguời tận hiến cũng vậy, nhưng sự hiểu lầm này không phải phát xuất bởi Thiên Chúa, nhưng là bởi chính bản thân mình mà ra. Thật vậy, dù là một nữ tu đã được khấn trọn trong một hội dòng, thì cũng có những lúc nào đó họ cảm thấy hình như đời sống tu trì của mình thật uổng phí cho tuổi thanh xuân, họ băn khoăn và thực sự khủng hoảng về ơn gọi của mình khi nhìn thấy những trào lưu tục hóa đang thịnh hành, khi nhìn thấy những chị em trong dòng không chú trọng đến đời sống tu đức, mà chỉ bôn ba đi phục vụ để kiếm thêm thu nhập và để được tự do hơn...

 

Tất cả những điều đó, làm cho người nữ tu như đi trong sương mù, chỉ nhìn thấy mù mờ con đường phía trước, họ đau khổ và có khi hiểu lầm mình đã đi sai đường khi chọn cuộc sống của một nữ tu, họ như Đức Mẹ Ma-ri-a băn khoăn bối rối khi được sứ thần Ga-bri-en truyền tin Mẹ sẽ cưu mang Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu, nhưng với sự khiêm tốn và cầu nguyện, với sự hiểu biết về Lời Chúa qua các sách tiên tri, mà Mẹ đã sẵn sàng để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu chuộc nhân loại nơi bản thân của mình.

 

Các nữ tu là những người được cả hai theo ân sủng của Thiên Chúa ban cho, đó là được đón nhận Chúa Giêsu trong tâm hồn mình và được nghe Lời Chúa rồi suy tư và thực hành, vậy thì tại sao chúng ta –các nữ tu- không như Đức Mẹ Maria sẵn sàng để Thiên Chúa thực hiện thánh ý của Ngài nơi con người của chúng ta !

 

-      Suy niệm Lời Chúa

Có rất nhiều người dâng mình làm tôi tớ Chúa, nhưng cũng có nhiều người đã từ bỏ ơn gọi tận hiến của mình với nhiều lý do, nhưng có một lý do quan trọng mà ít người để ý, khi mà họ cứ nại vào những lý do khách quan thường gặp bên ngoài như: không hợp với hội dòng, không hợp với ơn gọi.v.v...để “rút lui trật tự” khỏi đời sống tận hiến, mà chính Thiên Chúa đã khổ công mệt nhọc tìm tòi huấn luyện và sai đi, lý do đó chính là coi thường việc suy tư và thực hành Lời Chúa, đây là lý do tự bên trong của người tận hiến, và chính nó đã là nguyên tố mạnh nhất để có những lý do bên ngoài khác.

 

Từ một điểm xuất phát là Lời Chúa, nó như ánh đèn pha tỏa sáng bao trùm phía trước của cả đời sống của người tận hiến, các nữ tu cũng phải thấy được nó chính là ánh sáng soi đường dẫn lối, để mình mạnh dạn bước đi mà không sợ phải vấp té trong đêm tối của những cám dỗ, và những chao đảo giữa những mời mọc phù vân của thế gian để mình thoát ly khỏi ân sủng của Thiên Chúa :

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

là ánh sáng chỉ đường con đi”[24].

Lấy việc suy tư Lời Chúa làm hàng đầu cho đời sống tu trì tận hiến của mình, thì với ơn của Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, các nữ tu có thể thông suốt và chấp nhận được những cám dỗ do đời sống vật chất hưởng thụ của xã hội lôi kéo, cũng như những đau khổ do va chạm bởi đời sống cộng đoàn gây ra chỉ là những mảng sương mù ban mai mà thôi, nó sẽ tan biến khi ánh mặt trời chói lọi chiếu sáng, thánh vịnh 119 câu 98-100 đã rất có lý khi ca ngợi những ai yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa:

“Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thù,
vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng.
Con được thông suốt hơn cả thầy dạy,
vì con thường gẫm suy thánh ý;
Am hiểu hơn các bậc lão thành,
bởi huấn lệnh Ngài, con đã tuân theo”.

Cùng một việc đau khổ xảy ra, nhưng thái độ và cách giải quyết vấn đề của người có đức tin thì lại khác với người không có đức tin: người có đức tin sẽ giải quyết theo Lời Chúa hướng dẫn là trong đau khổ họ nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, và coi việc đau khổ ấy như là lễ vật kết hợp với sự hy sinh cao cả của Đức Chúa Giê-su để hiến dâng cho Thiên Chúa Cha; còn người không có đức tin thì họ sẽ giải quyết theo cách của họ, tức là theo cách thường tình của con người là oán hờn thóa mạ, trách móc và có khi xúc phạm đến Thiên Chúa. Các nữ tu không những là người có đức tin, mà còn là người được Thiên Chúa tuyển chọn, là người được học biết và thấm nhuần Lời Chúa hơn những tín hữu bình thường, thì việc đối đầu với những khó khăn xảy ra trong cuộc sống càng tinh tế và khôn ngoan hơn, bởi vì các nữ tu “thông suốt hơn cả thầy dạy”, vì các nữ tu thường gẫm suy thánh ý.

Cứ hồi tâm suy nghĩ lại cuộc sống tận hiến của mình, thì các nữ tu sẽ thấy những công việc gì mình không để cho Lời Chúa hướng dẫn, hoặc cãi lại Lời Chúa khi mà mình đã hiểu rõ trong hoàn cảnh ấy, thì đều trở thành gánh nặng và gây thất vọng nơi mình, và có khi xảy ra những điều đáng tiếc trong đời tận hiến.

Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn, dựa vào các công trình của Ngài[25], cũng như chính Thiên Chúa đã tỏ bày tình thương yêu của Ngài cho chúng ta qua vũ trụ, qua các tổ phụ, tiên tri và cuối cùng nơi Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-su, để ai nghe và tuân giữ lời của Đức Chúa Giê-su thì cũng là nghe và tuân giữ lời của Cha trên trời, là Đấng đã sai Chúa Con đến trần gian. Cũng vậy, vũ trụ và hoàn cảnh sống của chúng ta chính là thông điệp mà Thiên Chúa muốn dùng để bày tỏ ý định của Ngài, nếu mỗi một nữ tu thấm nhuần Lời Chúa, thì cũng sẽ biết dùng Lời Chúa để chấp nhận thánh ý của Ngài, cũng như để từ chối những cám dỗ do ma quỷ và thế tục gây ra.

Suy niệm Lời Chúa qua hoàn cảnh.

Một ngày, có rất nhiều việc xảy ra cho một người, nhưng có lẽ ít ai để ý vì đôi lúc trở thành thói quen, vì đã trở thành thói quen nên dễ dàng oán trời trách người khi gặp sự cố đột xuất.

Các nữ tu cần phải để ý đến điều ấy, vì đôi lúc các nữ tu được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về “mọi sự, mọi việc, mọi ngày đều là của Chúa” và do Chúa gởi đến cho mỗi người chúng ta, nhưng nếu sáng hôm nay chuẩn bị đi đến nhà trẻ mà chiếc xe máy đã có người chị em dùng rồi thì trong lòng như thế nào nhỉ, lẩm bẩm trách người chị em lấy xe mà không báo trước, hay vui vẻ tìm cách khác để đi đến nhà trẻ; hoặc nếu tối nay đang tập hát cho ca đoàn ở giáo xứ, mà đột nhiên bị cúp điện thì tâm hồn của các nữ tu sao nhỉ, thầm rủa nhà đèn “chơi không đẹp” hay là vui vẻ nói với các ca viên: Chúa cho mình nghỉ giải lao vài phút. Tất cả các nữ tu đều biết rõ Lời Chúa không chỉ ở trong Kinh Thánh mà thôi, không chỉ ở trong khi cầu nguyện mà thôi, nhưng cũng ở trong mọi biến cố của hoàn cảnh, mà chỉ có những ai thường xuyên suy tư và khiêm tốn để cho lời Ngài hướng dẫn, thì mới có một sự hiểu biết đức tin trong biến cố xảy ra như Đức Mẹ Ma-ri-a, trong ngày Mẹ được truyền tin cưu mang con Đức Chúa Trời[26].

Không suy tư và thấm nhuần Lời Chúa, thì không ai có thể hiểu được hoàn cảnh sống chính là thông điệp tình yêu mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho chúng ta, có hoàn cảnh thuận thì cũng có hoàn cảnh nghịch, và con người ta chỉ thích những gì thuận và có lợi cho mình, cho nên dù có thuộc lòng từng câu từng chữ trong Kinh Thánh thì họ cũng không hiểu được thông điệp mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho họ, nên khi thành công thì họ hớn hở vui mừng, và khi thất bại thì oán trách mọi người và đổ lỗi cho Thiên Chúa là không thương yêu họ.

Tại sao người ta mến các nữ tu hơn những người khác, vì chính các nữ tu biết đem Lời Chúa ứng dụng vào trong hoàn cảnh của cuộc sống, dù hoàn cảnh thuận hay nghịch, các nữ tu vẫn luôn giữ được thái độ điềm đạm, vui tươi, yêu thương, đó chính là hiệu quả của việc luôn luôn suy niệm Lời Chúa, và nhìn thấy ý Ngài qua cuộc sống của mình. Thời nay có nhiều nữ tu mà thời gian ở ngoài nhiều hơn ở trong tu viện, vì nhu cầu học hành, làm việc và truyền giáo, đó chính là hoàn cảnh và qua hoàn cảnh này, mà người ta nhận ra được “khuôn mặt” thật của người nữ tu bên trong bốn bức tường tu viện -hay nói cách khác- nhận biết được tôn chỉ và mục đích của đời sống tận hiện của các nữ tu hơn, qua việc chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa nơi mỗi nữ tu...

Suy tư Lời Chúa qua ý bề trên.

Tưởng cùng nên nhắc lại: bề trên hợp pháp của mỗi hội dòng là do toàn thể thành viên trong dòng bỏ phiếu chọn ra với sự tự nguyện dưới sự chủ tọa của giám mục địa phận[27], cho nên khi vâng lời bề trên thì không phải vâng lời cá nhân của bề trên mà là vâng lời tiếng nói chung của toàn thể hội dòng, khi mệnh lệnh của bề trên đã được ban cố vấn đồng ý và nhân danh hội dòng để ban lệnh[28].

Thánh Phao-lô tông đồ đã dạy rằng: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”[29], nhưng tìm thấy lợi ích cho người khác thế nào được, khi mà có những phần tử trong cộng đoàn Phi-lip-phê rao giảng Tin Mừng vì tranh chấp ganh tị[30], cho nên ngài đã đưa ra một bằng chứng hùng hồn bằng sự khiêm hạ của Đức Chúa Giê-su khi Ngài vâng lời Đức Chúa Cha:
“Đức Giê-su Ki-tô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”[31].

Nếu Đức Chúa Giê-su không liên lĩ kết hợp với Đức Chúa Cha, thì Ngài không thể thực hiện ý của Cha trên trời; nếu Đức Chúa Giê-su không thâu đêm chuyện trò với Chúa Cha, thì Ngài sẽ không bằng lòng chịu chết trên thập giá, dù cho cái chết ấy sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người, nhưng Ngài vâng phục ý Chúa Cha để chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi[32].

Việc thường xuyên suy niệm Lời Chúa sẽ làm cho các nữ tu nhận ra thánh ý của Thiên Chúa qua bề trên của mình, dù ý ấy –đôi lúc- như lưỡi dao đâm xé trái tim của mình, hoặc là khiến cho kế hoạch mà mình đang xây dựng cho cộng đoàn nơi mình phục vụ bị ngưng trệ. Chính trong những hoàn cảnh như thế, nhờ Lời Chúa soi sáng, mà các nữ tu hân hoan được biết mình đang trở nên của lễ tận hiến cho Thiên Chúa để nhiều chương trình của hội dòng được phát triển, và nhiều chị em khác trong hội dòng nhờ sự hy sinh của mình mà học được những bài học quý giá cho bản thân, chị thánh Têrêxa Hài Đồng đã làm như thế khi chị thánh tuyệt đối nghe lời mẹ bề trên dù bề trên luôn cứng rắn và không tỏ ra thông cảm với chị thánh[33].

Có những bề trên khắc khe cứng rắn, có những bề trên hiền từ, có những bề trên thông minh khôn ngoan, nhưng dù các bề trên thuộc loại nào thì các nữ tu cũng phải cảm tạ Thiên Chúa đã dùng các bề trên để cho các chị biết thánh ý của Ngài. Chúng ta có thể ví nôm na như thế này: ý của bề trên hợp pháp chính là ổ khóa vạn năng, mà chìa khóa để tra vào ổ khóa ấy chính là cách thấm nhuần suy tư Lời Chúa của các nữ tu, càng hiểu càng yêu mến, càng thực hành Lời Chúa thì các nữ tu càng cảm thấy “ổ khóa vạn năng” ấy sao dễ mở, và khi mở được rồi thì các nữ tu thấy đời tận hiến của mình có rất nhiều ý nghĩa và rất hạnh phúc, vì đã dâng mình cho Thiên Chúa qua hội dòng mà mình đã chọn.

Không ai hằng yêu mến và luôn thực hành Lời Chúa, mà không có tâm hồn khiêm hạ trong việc phục tùng bề trên hợp pháp của mình.

Gẫm suy Lời Chúa qua các chị em.

Mỗi nữ tu là một bông hoa đẹp nhất dâng hiến cho Thiên Chúa, chính Ngài khi tạo dựng bà E-va, thì đồng thời Ngài cũng biết rõ những nữ tính nơi họ, và với tâm tình của người Cha trên trời, Ngài hằng luôn thương yêu và mời họ nên thánh trong đời sống tận hiến, và qua đời sống tận hiến này, do sự mời gọi và tuyển chọn của Đức Chúa Giê-su, Ngài đã muốn các nữ tu trở nên những chứng nhân anh hùng thực hiện lời của Ngài giữa xã hội qua mọi thòi đại.

Người ta nói đùa rằng: nơi nào có hai phụ nữ cộng thêm một con vịt nữa là nơi ấy trở thành cái chợ, xét cho cùng, cũng không sai lắm đâu; nhưng chúng ta có thể tự hào rằng, ở đâu có hai ba nữ tu thì ở đó biến thành một cộng đoàn phục vụ và truyền giáo, mà quả thật như thế, hiện nay không phải các nữ tu cứ ba hoặc bốn người ở chung với nhau là thành một cộng đoàn nhỏ hay sao ? Tại sao các nữ tu lại làm được chuyện ấy mà những phụ nữ khác không làm được, là bởi vì các nữ tu biết im lặng để suy tư và biết thinh lặng để lắng nghe lời của Thiên Chúa qua đời sống cộng đoàn của mình.

Dù là mang thân phận người phụ nữ bởi dòng máu E-va, nhưng Đức Mẹ Ma-ri-a vẫn được Thiên Chúa tuyển chọn và gìn giữ để làm mẹ của Đức Chúa Giê-su –Đấng cứu chuộc trần gian- thì các nữ tu cũng có thể tự hào rằng, cả nhân loại -từ thuở tạo thiên lập địa cho đến tận thế- chỉ một mình Đức Mẹ Ma-ri-a là được Thiên Chúa tuyển chọn để nói với Thiên Chúa trong sự “im lặng” của mình, và nơi cung lòng Mẹ biến thành thiên đàng của trời cao để cho nhân loại –qua Mẹ- thấy được Thiên Chúa làm người là Đức Chúa Giê-su Ki-tô. Các nữ tu cũng vậy, tuy là người nữ nhưng trong chương trình “sau Phục Sinh” để tiếp tục ơn cứu độ của Ngài, cũng có “chỗ” cho các chị em để làm công việc rao giảng Tin Mừng cứu độ ấy bằng chính đời sống thánh hiến của mình.

Tuy nhiên, ngọc cần phải giũa phải mài mới sắc sảo và đẹp ra, các nữ tu cũng cần phải được Thiên Chúa gọt giũa bằng thử thách, bằng hy sinh và bằng ân sủng của Ngài thì mới trở thành viên ngọc cực đẹp cho Ngài và cho đời.

Gọt giũa đau nhất nhưng công hiệu nhất mà Thiên Chúa dùng để thử thách các con cái ưu tú của Ngài chính là đời sống cộng đoàn, chính những va chạm trong đời sống cộng đoàn này làm cho tâm hồn các nữ tu sáng và đẹp ra hơn cả viên ngọc, chính những va chạm giữa các chị em mà Thiên Chúa ban nhiều hồng ân xuống cho những ai biết nhận ra thánh ý của Ngài. Nhưng không phải ai cũng biết nhận ra thánh ý của Thiên Chúa qua sự va chạm giữa các chị em với nhau, nếu các nữ tu không có một “trình độ” hiểu biết và thường xuyên suy tư lời của Ngài.

Cộng đoàn –dù lớn dù nhỏ- thì cũng là một phần tử của nhà dòng mẹ, hay nói cách khác, là một “tiền đồn” truyền giáo của đại bản doanh là nhà mẹ ở cách xa hàng trăm hàng ngàn dặm, cho nên không phải vì thế mà các nữ tu nghĩ rằng chuyện va chạm giữa chị em sẽ không xảy ra ! Chính vì nghĩ như thế mà ma quỷ lợi dụng cái cộng đoàn -tiền đồn cỏn con- ấy để tấn công bằng những lý do rất chính đáng như: bận học thêm, bận phục vụ bệnh nhân, bận thực tập, bận trực ca.v.v...để làm cho các nữ tu lơ là trong việc tuân giữ các giờ kinh, các giờ nguyện ngắm chung với các chị em khác...

Nhưng cái quan trọng hơn chính là những va chạm với chị em, dù là cộng đoàn nhỏ, nhưng là một cộng đoàn giữa những con người với những cá tính khác nhau; dù là cộng đoàn nhỏ, nhưng kinh nghiệm tu đức và kinh nghiệm sống không giống nhau; dù là cộng đoàn nhỏ, nhưng sự giáo dục và ảnh hưởng gia đình không giống nhau, cho nên rất dễ dàng va chạm nhau trong đời sống cộng đoàn, sự va chạm này ít người biết khi ở trong một cộng đoàn lớn, nhưng nó sẽ nổi bật và lấy làm khó chịu khi ở trong một cộng đoàn nhỏ, do đó, nếu không thật thấm nhuần Lời Chúa thì không thể chịu đựng lẫn nhau, nếu không luôn suy tư Lời Chúa thì không thể tiếp tục ơn gọi tận hiến của mình được.

Va chạm với nhau trong đời sống cộng đoàn chính là dịp đễ các nữ tu cảm nghiệm được Thiên Chúa vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của mình, khi một chị em không thích mình, kèn cựa với mình chỉ vì mình được mọi người thương mến, đôi lúc làm cho mình khó chịu và cảm thấy người chị em ấy quả không đáng thân thiện, và ma quỷ sẽ thôi thúc làm cho mình cảm thấy chị em ấy ngày càng đáng ghét hơn. Nhưng nếu là một nữ tu luôn lấy Lời Chúa làm mẫu mực của việc làm, thì họ sẽ biết nhìn thấy ý Thiên Chúa trong trường hợp đáng tiếc ấy, điều trước tiên mà họ thấy là người nữ tu không thích mình ấy thật đáng thương hơn là đáng ghét, đáng kề cận hơn là xa cách, cho nên cần phải tha thứ và đánh tan những ý nghĩ ghét ghen nới người chị em ấy, bằng sự phục vụ và lòng yêu mến chân tình của mình...

Lời Chúa như là đèn soi làm cho các nữ tu nhìn rõ chân giá trị của sự va chạm, chính là Thiên Chúa đang thử thách mình qua các chị em trong cộng đoàn, bởi vì việc tu đức và đường nên thánh không phải trên giáo án của các vị linh hướng, nhưng trong chính cuộc sống thực hành Lời Chúa của mỗi người, mà mỗi một người chị em trong hội dòng chính là những công cụ gọt giũa, để cho mình ngày càng hoàn thiện hơn trong đời sống tận hiến. Nếu không có ơn của Thiên Chúa giúp đỡ, nếu không được Lời Chúa hướng dẫn thì không một cộng đoàn tu hội nào tồn tại, đó là sự thật, bởi vì cộng đoàn tu trì là do Đức Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc giục những người muốn phụng thờ Thiên Chúa cách tích cực và quãng đại hơn, cho nên họ cần phải được Lời Chúa hướng dẫn, soi sáng và thanh luyện, có như thế các nữ tu mới thật sự là những viên ngọc đẹp nhất được dâng hiến lên Thiên Chúa và tỏa sáng cho mọi người.

NỮ TU ĐƯỢC MỜI GỌI ĐỂ YÊU LỜI CHÚA

Nàng- trong sách Diễm Ca- đã vui mừng nói:
“Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, khi chàng đang tới,
nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi”[34].

Nàng đang từng giây từng phút mong đợi người yêu, để được nghe tiếng nói của chàng, ai đã từng yêu thì cảm nghiệm được điều ấy, tình yêu được khai mào bằng lời và cũng được nuôi sống bằng lời: lời yêu thương và lời quan tâm lo lắng.

Các nữ tu là những người tận hiến cho một tình yêu tuyệt đối và thánh thiện, được gọi là tình nương của Đấng tình quân là Đức Chúa Giê-su, cho nên, sẽ rất lạc điệu khi nói rằng, họ -các nữ tu- không thích nghe lời của Đấng tình quân mình, do đó, mức độ yêu mến của họ cũng có thể được đo bằng thái độ yêu mến Lời Chúa hay không.

Tiếng của Thiên Chúa văng vẳng đâu đây trong cuộc sống của mỗi nữ tu, tiếng của Ngài vang lên trong bóng đêm của nhà nguyện, tiếng của Ngài vang lên trong niềm vui rộn rã của thành công, vang lên trong đau khổ hiểu lầm, vang lên trong trong những khi trái gió trở trời mệt nhọc.v.v...tiếng của Thiên Chúa ngọt ngào vang lên trong cay đắng thử thách, là niềm vui của các nữ tu khi họ đang cô đơn thất vọng và đồng cảm với Đấng tình lang trong vườn Giết-sê-ma-ni...

Yêu mến Lời Chúa là hy sinh

“Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp”[35], tình yêu tận hiến của người nữ tu cũng đòi hỏi họ phải hy sinh những gì không thuộc về tiếng nói của người yêu: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng biết Ta”, hy sinh những thú vui của người đời mà –mặc dù đã tận hiến- nhưng thân xác yếu đuối vẫn tồn tại và những ước mơ rất đời thường cũng nằm đó trong con người của các nữ tu, cho nên, cái mà người yêu thường làm cho người yêu là hy sinh, cái hy sinh lớn nhất là bỏ ngoài tai những lời “nịnh đầm” của các chàng trai, bỏ ngoài tai những lời mời mọc của phù hoa hưởng thụ, bỏ ngoài tai những lời khích bác của bạn bè vì mình sống không như họ.v.v...Hy sinh là một mầu nhiệm, Đức Chúa Giê-su hy sinh chịu chết cho nhân loại là một mầu nhiệm mà Giáo Hội gọi là “mầu nhiệm tình yêu”, không ai có thể hiểu nổi tại sao một cô gái đẹp đẽ đoan trang học giỏi như thế lại trở thành một nữ tu, cái không ai hiểu đó, đối với người đời là một sự khó hiểu khi mà hầu hết các thiếu nữ đều chọn cho mình cuộc sống hưởng thụ vật chất lẫn tình yêu, nhưng đó là điều kỳ diệu của tình yêu được mời gọi từ nơi Thiên Chúa, điều kỳ diệu này chỉ có bản thân các nữ tu mới hiểu được, vì họ đã nghe được Lời Chúa mời gọi và thúc giục họ trở nên Bạn Tình của Đấng Cứu Độ là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.

Chọn tức là phải có tình yêu và hy sinh, chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của mình thì các nữ tu phải có hy sinh, gia nghiệp của Thiên Chúa chính là Lời Hằng Sống của Ngài, đó là tất cả những gì mà người nữ tu được hưởng để được sống đời đời và để phục vụ Ngài trong tha nhân.

Như bạn tình hy sinh cho người yêu, các nữ tu của Đấng lang quân là Đức Chúa Giê-su cũng hy sinh như Ngài đã hy sinh, để có thể chấp nhận được, hy sinh cái nổi tiếng, hy sinh những tham vọng không phù hợp với Lời Chúa, bởi vì tiếng thì thầm của Đấng lang quân như thúc giục bên tai các nữ tu:
“Bạn tình ơi, toàn thân nàng xinh đẹp,
Nơi nàng chẳng chút vết nhơ”[36].

Chính sự hy sinh ấy của các nữ tu mà mọi người càng thấy họ đẹp hơn, thánh thiện hơn tất cả những người nữ khác, và Đấng mà các nữ tu yêu mến, càng thấy họ đẹp thêm và đáng hưởng tất cả những gì mà Ngài muốn ban cho họ ở đời này cũng như đời sau.

Yêu mến Lời Chúa là vui tươi.

Không ai nghe tiếng người yêu mà âu sầu buồn bả, nhưng trái lại rất vui vẻ hân hoan, lời của Thiên Chúa là lời của khôn ngoan, lời dạy dỗ, lời giáo huấn để những ai nghe tiếng của Ngài thì được sống đời đời.

Yêu mến Lời Chúa vì đó là niềm vui của người khôn ngoan, bởi vì họ được chính Thiên Chúa ban tặng sự khôn ngoan[37], dưới con mắt người khác, các nữ tu là những người có sự lựa chọn không khôn ngoan, nhưng thực ra các nữ tu là những người khôn ngoan đã dành phần nhất cho mình[38]. Cuộc đời tận hiến của các nữ tu được gắn liền với việc yêu mến Lời Chúa một cách vui vẻ, dù Lời Chúa đang ở trong hoàn cảnh khổ đau nhất của họ, như Chúa Giê-su đau khổ đến tột cùng trong vườn Giết-sê-ma-ni nhưng Ngài vẫn cứ dang rộng đôi tay với tất cả lòng yêu mến thực hiện ý của Cha trên trời.

Sống vui vẻ với mọi người, vui tươi với mọi hoàn cảnh, chính là các nữ tu đã thấm nhuần Lời của Đấng lang quân mình, Đấng lang quân mà các nữ tu đã chọn làm “tình yêu đời đời” của mình ấy, đang hóa thân nơi tất cả những hạng người mà các nữ tu tiếp xúc hằng ngày, đó là người hôm qua đã phê bình mình trước mặt chị em trong cộng đoàn, đó là người mà mình không thích vì tính đỏng đảnh của họ, đó là những người bất hạnh mà mình có bổn phận chăm sóc nơi bệnh viện, trong nhà trẻ hay nơi viện dưỡng lão, ở đâu Lời Chúa cũng có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn của các nữ tu, nếu không thì tất cả những việc làm ấy của các nữ tu, chỉ là miễn cưỡng và buồn bả mà thôi.

Thánh Phao-lô tông đồ, sau khi đã trình bày về mầu nhiệm tình yêu và sự khiêm nhường của Đức Chúa Giê-su, thì khuyên các tín hữu của giáo đoàn Phi-líp-phê rằng: “Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em !”  Thánh Phao-lô đã vui mừng trong Chúa vì đã được nghe Lời Chúa dạy, được Lời Chúa cảm hóa, và niềm vui ấy như nước vỡ bờ tuôn tràn qua cho người khác. Niềm vui đó lây lan qua các tín hữu của ngài và nhờ ngài, mà hôm nay chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha và Đức Chúa Giê-su là Đấng cứu chuộc trần gian.

Niềm vui vì được phục vụ Lời Chúa của các nữ tu thì chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến những con người chung quanh, đã nhiều lần người ta tự hỏi: các nữ tu là ai mà vẫn vui tươi tắm rửa cho những người mắc bệnh phong, các nữ tu là ai mà khuôn mặt rạng ngời khi chăm sóc những mảnh đời bất hạnh trong các trại tế bần ? Không ai trả lời được cả, chỉ có Thiên Chúa là Đấng đã dùng Lời để kêu gọi các nữ tu mới hiểu nổi, chỉ có việc yêu mến Lời Chúa nơi các nữ tu mới trả lời được những thắc mắc ấy của người đời mà thôi.

Yêu mến Lời Chúa là phục vụ.

Thánh Phao-lô tông đồ đã nói: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ”[39], bởi chính ngài đã cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, cho nên ngài đã thêm rằng: “Thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa”[40].

Một nữ tu có tinh thần sốt sắng phục vụ Chúa trong tha nhân, là một nữ tu biết yêu mến Lời Chúa và thực hiện Lời Chúa trong khi phục vụ con người.

Có những người phục vụ nhưng không yêu mến, có những người phục vụ nhưng phục vụ cách miễn cưỡng, nguyên do là vì họ không nhìn thấy được Đức Chúa Giê-su trong những đối tượng mà mình phục vụ. Nhưng các nữ tu thì bởi được Lời Chúa thúc giục và bởi vì lòng yêu mến Thiên Chúa, nên việc phục vụ của các nữ tu không giả dối, không trễ nải, không phân biệt giàu nghèo và biết tôn trọng nhân phẩm của người được phục vụ, nên được mọi người đón nhận, không phải đón nhận như những người thi ân bố thí, nhưng là như sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa đối với họ.

Con người thời nay rất nhạy bén với việc giúp đỡ phục vụ của người khác, họ dễ dàng phân biệt được đâu là sự phục vụ chân thật vô vị lợi, và đâu là việc phục vụ đầy mưu đồ và lợi dụng; họ cũng dễ dàng nhận ra việc phục vụ nào đến từ lòng thương yêu hoặc đến từ sự thương hại, nhưng người ta sẽ không bao giờ nghi ngờ sự quan tâm giúp đỡ và phục vụ của các nữ tu, họ luôn nhìn thấy nơi các nữ tu một sự chân thành và một tâm hồn quảng đại khi phục vụ.

Tuy nhiên, dù là người sống đời tận hiến nhưng các nữ tu cũng là những con người, cho nên cũng có những lúc phục vụ mà lòng không vui, có những lúc phục vụ mà thái độ không hòa nhã vui vẻ với mọi người, bởi vì, nguyên nhân sâu kín nhất chính là các nữ tu thấy địa vị “người nữ tu” nơi mình cao vọng quá, đáng giá quá, mà không nhìn thấy được việc thực hành thánh ý của Thiên Chúa trong sự phục vụ chân thành, mới làm cho giá trị “người nữ tu” của mình cao quý gấp vạn lần.

Đức Chúa Giê-su sau khi rửa chân cho các môn đệ của mình, thì hỏi họ rằng: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ?” chắc chắn là các môn đệ không hiểu ý nghĩa rửa chân của Ngài, cho nên Ngài giải thích: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”[41], lời giải thích của Đức Chúa Giê-su thật quá rõ ràng, việc khiêm tốn phục vụ mới làm cho các môn đệ trở nên giống Ngài hơn là những chức tước mà người đời phong tặng, bởi vì dù là giáo hoàng, là giám mục, là linh mục hay là tu sĩ mà nếu không phục vụ tha nhân, thì cũng không thể trở thành môn đệ tốt lành của Chúa Giê-su được, đó là cốt lõi của tinh thần tu đức mà các nữ tu cần phải học hỏi nơi Đức Chúa Giê-su “sự hiền lành và khiêm nhường”.

Yêu mến Lời Chúa là phó thác.

“Xin Chúa nhớ lại lời phán cùng tôi tớ,
lời ban niềm hy vọng cho con.
Lời hứa của Ngài làm cho con được sống,
đó là điều an ủi con trong cảnh khốn cùng”[42].

Nhờ Lời Chúa dạy và nhờ suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta biết sống theo thánh ý của Ngài, và nhờ vào sự yêu mến Lời Chúa mà chúng ta biết phó thác cuộc sống mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Phó thác là một hành động tin tưởng bởi lòng yêu mến mà ra, phó thác là đem cuộc đời với những hạnh phúc đau khổ của hiện tại và sự lo âu của ngày mai đặt vào trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đặt vào trong bàn tay nhân lành của Thiên Chúa để tùy Ngài sử dụng cho chương trình và kế hoạch mà Ngài đã hoạch định cho mỗi một người.

Đời sống tận hiến của các nữ tu không phải lúc nào cũng nhìn thấy Thiên Chúa qua cuộc sống, nhất là trong những lúc gặp thử thách đau khổ càng thấy vắng bóng Thiên Chúa hơn, những lúc này tâm hồn của người nữ tu như hụt hẫng vì hình như Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, và có những lúc họ cay đắng thốt lên như lời của Đức Chúa Giê-su trên cây thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?”[43] thật ra Thiên Chúa không bỏ rơi một ai cả, Ngài càng không dửng dưng trước những đau khổ của con cái Ngài, nhất là những người đã chọn Ngài làm gia nghiệp đời mình...

Đau khổ nhất là khi bề trên không biết thông cảm và các chị em trong hội dòng hiểu lầm, chính những lúc này đây các nữ tu mới cảm thấy Lời Chúa thấm thía sâu tận tâm hồn mình, các nữ tu mới cảm thấy mình giống Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu hơn bao giờ hết. Mặc dù nói với Chúa con sẵn lòng phó thác tất cả cho Chúa và để thánh ý Chúa nên trọn, nhưng tâm hồn vẫn cứ đau khổ, vẫn cứ tấm tức, vẫn cứ lo âu khi mà đau khổ và thử thách ngày càng đè nặng trên người, mà Lời Chúa hứa cho những ai cậy trông vào Ngài ngày càng xa vắng.

“Lúc ngặt nghèo tôi kêu lên cùng Chúa,
Chúa đã thương đáp lời.
Lạy Chúa, xin Ngài cứu mạng con,
khỏi môi miệng điêu ngoa, tấc lưỡi phỉnh phờ”[44].

Người luôn tin tưởng vào Lời Chúa thì trong mọi hoàn cảnh đều thấy có Thiên Chúa đồng hành với mình, dù trong đêm tối của cuộc đời, họ vẫn luôn tin cậy và phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa.

Phó thác của người đời là họ cậy vào quyền thế và tiền bạc, gặp khó khăn giáo tế họ phó thác cho tiền bạc, gặp rắc rối việc làm ăn, họ phó thác cho chức quyền danh vọng, nhưng rồi vẫn cứ thấy tâm hồn bất an. Việc phó thác của các nữ tu thì không như thế, trên hết mọi sự, họ yêu mến Lời Chúa và phó thác vào Lời Chúa, vì cuộc sống tận hiến đã dạy họ rằng: Lời Chúa chính là lời đã mời gọi họ hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, để trở nên những người thuộc về Ngài và trở nên sứ giả của Ngài ở trần gian.

LỜI KẾT

Các nữ tu thân mến,
Là những người ưu tú được Thiên Chúa tuyển chọn giữa rất nhiều các thiếu nữ khác, chính Ngài đã “qua nhiều lần và nhiều cách”[45] ban rất nhiều ân sủng xuống trên các chị em, là những người mà Ngài vui mừng khen ngợi:
“Nàng đẹp quá, bạn tình ơi, nàng đẹp quá
Sau tấm mạng the, đôi mắt nàng, cặp bồ câu xinh đẹp”[46].

Vẻ đẹp của các nữ tu không là nhan sắc khuynh nước nghiêng thành, không là gấm vóc ngọc ngà, nhưng là những hy sinh, những âm thầm khiêm tốn thực hành thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc sống tận hiến của mình, đó chính là vẻ đẹp đặc biệt “sau tấm mạng the đen” là những bon chen của thế gian.

Lời Chúa mà các nữ tu đang ngày đêm lắng nghe với sự soi sáng hướng dẫn của Thánh Linh, sẽ là kho tàng vô giá được trang điểm trên cuộc đời phục vụ tha nhân của các nữ tu, và sẽ là ánh sáng soi đường dẫn lối để các nữ tu –khi phục vụ tha nhân- biết quy hướng những thành công hay thất bại về trong thánh ý của Thiên Chúa, bởi vì Lời Chúa là niềm vui và hy vọng của tất cả những người tin vào Đức Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Lạy Đức Chúa Giê-su,
Đấng được gọi là Lang Quân của các nữ tu.
Bởi vì chính Chúa đã dùng Lời của mình
để yêu thương và mời gọi
để dẫn dắt và soi sáng
để các nữ tu biết nhận ra thánh ý của Chúa
trong đời tận hiến của mình,
mà yêu thương và phục vụ Chúa trong tha nhân,
trong những người bất hạnh...

Lạy Đức Chúa Giê-su,
con đường theo Chúa của các nữ tu,
không bằng phẳng, đầy thử thách, đầy cám dỗ,
nhưng cũng đầy hạnh phúc và lạc quan,
vì họ ngày đêm yêu mến và thực thi thánh ý,
không phải để trở thành người uyên bác
quảng diễn Lời Chúa trên bục giảng,
nhưng để trở thành người phục vụ và
quảng diễn Lời Chúa trong cuộc đời tận hiến của mình,
để Lời Chúa sống động,
để Lời Chúa cao bay chạy xa đến với mọi tâm hồn...
Amen.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 


[1] Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” câu 56.
[2] Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” câu 63.
[3] Lc 2, 19.
[4] Lc 1, 34.
[5] Lc 1, 38
[6] Lc 1, 38.
[7] Lc 2, 34b.
[8] Lc 2, 51b.
[9] Ga 1, 14.
[10] Cl 1, 15a.
[11] Lc 2, 34b.
[12] PVCGK sách các bài đọc lễ thánh Giu-se.
[13] Kinh Sách (các bài đọc), bài giảng của thánh Bê-na-đi-nô Xi-ê-na ngày lễ Thánh cả Giu-se 19.3.
[14] Mt 1, 20-22.
[15] Mt 1, 19.
[16] Mt 1, 20-21.
[17] Pl 2, 6.
[18] Kn 3, 1.
[19] Kn 3, 7-8.
[20] PVGK, giờ Sách phần xướng đáp ngày lễ thánh Giu-se (19.3).
[21] Lc 11, 27b.
[22] Lc 11, 28b.
[23] Mt 12, 49-50.
[24] Tv 119, 105.
[25] Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 56.
[26] Lc 1, 28-38.
[27] Giáo luật điều 625.
[28] Mời xem “Nữ tu Việt Nam với ơn gọi truyền giáo của thế kỷ 21”, http://www.vietcatholic.net/nhantai
[29] Pl 2, 4.
[30] Pl 1, 15.
[31] Pl 2, 6-8.
[32] Cl 1, 14.
[33] Một Tâm Hồn, chương “Khuôn vàng thước ngọc của luật phép nhà”, bản dịch của Kim Thiếu.
[34] Diễm Ca 2, 8.
[35] Diễm Ca 8, 7.
[36] Diễm Ca 4, 7.
[37] Cách Ngôn 2,
[38] Lc 10, 42.
[39] Rm 12, 9.
[40] Rm 12, 11.
[41] Ga 13, 12-14
[42] Tv 119, 49-50.
[43] Mt 27, 46b ; Mc 15, 34b.
[44] Tv 120, 1-2.
[45] Dt 1, 1a.
[46] Diễm Ca 4, 1.