Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Gương nhân nghĩa

GƯƠNG NHÂN NGHIÃ

 

Tống Tương công và quân đội nước Sở đang giao chiến ở ven bờ nước sâu, binh lính nước Tống đã xếp hàng trận thế, nhưng quân Sở còn chưa qua sông.

Hữu tư mã hiến kế cho Tống tương công:

-         “Quân Sở nhiều mà quân Tống ít, lợi dụng lúc họ qua sông hàng ngũ chưa chỉnh tề, ta đột nhiên bắt đầu công kích, như thế họ tất bị bại không còn nghi ngờ gì nữa.”

Tống tương công không nói gì, Hữu tư mã nói tiếp:

-         “Ngài không yêu qúy nhân dân của đất nước mình, để quốc gia bị tổn hại, lẽ nào thế mới gọi là đạo đức sao?”

Thế là đợi cho quân Sở qua sông và xếp xong trận thế, bấy giờ Tống tương công mới hạ lệnh đánh trống tiến quân, kết quả binh Tống đại bại. Tương công bị thương nặng ở bắp vế, ba ngày sau thì chết.
(Hàn Phi Tử)
 
Suy tư:
Làm vua một nước, đã ra trận mà còn đem lòng từ bi của quân tử để nhường nhịn đối phương, tức là đưa quân mình vào chỗ chết; khi lâm trận thì cần giành thế thượng phong, mạnh dùng sức, yếu dùng mưu, đó là căn bản của người cầm quân. Đã muốn nhường đối phương, thì chi bằng đem đất nước toàn dân của mình dâng cho địch quân, còn hơn đem quân ra chiến đấu. Tống tương công đã làm một việc “ nhân từ quân tử” nên đã thua trận lại còn mất mạng nữa.

Trong đời sống thiêng liêng cũng thế, đã chiến đấu thì phải chiến đấu tới cùng không nhân nhượng; với tội lỗi mà nhân nhượng thì chỉ có thua đến thua; xác thịt cũng thế, đừng nhân từ kiểu quân tử: cả mùa chay ăn chay rồi, bây giờ “ ăn bù” cho thỏa lòng; tội này không quan trọng, đi xưng tội là xong ngay, hy sinh trong lòng có Chúa biết được rồi. Đó chính là những nhân nhượng kiểu quân tử.

Tôi cũng đã nhiều lần nhân nhượng kiểu đó đối với xác thịt, với những đam mê tầm thường, khiến cho tôi ngày càng xa Chúa hơn mà không biết.
 
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
dịch và viết suy tư